Brazil “vỡ trận” vì COVID-19, các nhà xác và nghĩa trang quá tải

Thứ Bảy, 25/04/2020, 19:16
Trong lúc chính quyền Brazil tranh cãi về cách ứng phó với COVID-19 thì số ca nhiễm tại nước này đã leo thang không ngừng, gây áp lực khổng lồ lên bệnh viện, khiến các nhà xác quá tải.

Các nghĩa trang ở Brazil quá tải vì số người chết quá nhiều. Ảnh: Getty Images

Tính đến chiều 25/4 (giờ Hà Nội) Brazil đã ghi nhận hơn 54.000 ca nhiễm COVID-19 với 3.704 ca tử vong, nhiều nhất Nam Mỹ và đứng thứ 11 thế giới. Hơn 8.300 ca nhiễm tại nước này đang trong tình trạng nguy kịch, chỉ đứng sau Mỹ, ổ dịch lớn nhất toàn cầu.

Tình hình dịch bệnh gây áp lực khổng lồ lên các bệnh viện tại nước này, khiến nhà xác không còn chỗ chứa trong khi các nghĩa trang cũng bị quá tải. SCMP dẫn lời các quan chức y tế ở đô thị lớn nhất Brazil là Rio de Janeiro nói rằng hệ thống chăm sóc y tế của họ đã "vỡ trận".

Ít nhất 4 thành phố khác trên toàn Brazil cũng báo cáo không còn chỗ chứa bệnh nhân, nhiều người nhiễm không được chăm sóc y tế cần thiết. Manaus, thành phố lớn nhất Amazon, mới đây buộc phải đào một hố chôn tập thể vì quá nhiều người chết.

Ytalo Rodrigues, tài xế một công ty làm dịch vụ tang lễ ở Manaus, cho biết, anh đã di chuyển các thi thể đi an táng trong suốt 36h liên tục không nghỉ. Có quá nhiều người chết tới mức mà ông chủ của Rodrigues phải điều động thêm một xe tang khác.

Đáng chú ý, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca nhiễm và thiệt mạng ở quốc gia 211 triệu dân cao hơn nhiều so với số báo cáo chính thức vì hệ thống xét nghiệm ít hiệu quả. Từ đầu dịch, nước này mới tiến hành 291.000 xét nghiệm, bằng 1/10 Nga, quốc gia xếp ngay trên Brazil về số người mắc COVID-19.

Brazil có cách tiếp cận với dịch bệnh khá khác biệt với phần còn lại của thế giới khi Tổng thống nước này Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như dịch cúm. Ông không đồng tình với việc chính quyền các bang hạn chế đi lại ngăn dịch lây lan và từng tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm đi lại.

Cách đây một tuần, ông Bolsonaro sa thải Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta vì cho rằng các biện pháp hạn chế do bộ này kêu gọi áp dụng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước.

Thiện Nhân
.
.
.