Bê bối United Airlines: Ai đúng ai sai?

Thứ Tư, 12/04/2017, 20:47
Trong vụ bê bối mới nhất của United Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, ngoài sự phẫn nộ trước hành động quá thiếu chuyên nghiệp nếu không muốn nói là thô bạo của một số nhân viên hãng, nhiều người cũng tranh cãi liệu “nạn nhân” có là người “đúng” hay không?
Ông David Dao. Ảnh Reuters

Ngày 9 và 10-4, cộng đồng mạng trên khắp thế giới xôn xao về một video được đăng tải bởi một hành khách trên một chuyến bay của United Airlines, nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt theo dõi và hàng trăm ngàn lượt chia sẻ.

Vụ việc xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu 3411 của United Airlines, xuất phát từ Chicago đến Louisville, Kentucky. Theo CNN, trong khi các ghế trên chuyến bay đã được lấp đầy thì hãng thông báo thông báo cần chuyển gấp 4 nhân viên của hãng đến Louisville để phục vụ một chuyến bay khác và đề nghị 4 hành khách trên khoang “nhường” chỗ. 

Tất nhiên, để thuyết phục các hành khách, hãng đã đề xuất bồi thường. Tuy vậy, không có ai “tự nguyện” chấp nhận chuyển chuyến bay của mình. Hãng United Airlines đã đề nghị “ngẫu nhiên” 4 người, gồm 2 cặp đôi. Một cặp đôi đồng ý nhưng cặp kia có người chồng kiên quyết không muốn chuyển.

Người đàn ông này được xác định là bác sĩ gốc Việt tên David Dao, 69 tuổi. Ông này từ chối chuyển chuyến do có lịch hẹn với bệnh nhân vào ngày hôm sau.

Trong video, một số nhân viên an ninh đã đến “nói chuyện” với ông này, sau đó lôi người này ra khỏi ghế mặc cho ông này gào thét. Lúc này mặt ông này đầy máu.

Nguồn: Business Insider

Theo đại diện hãng hàng không, việc lựa chọn người nhường ghế trên chuyến bay là “ngẫu nhiên” nhưng không “tùy tiện” bởi hãng đã có tính toán những ai có khả năng sẵn sàng nhường ghế dựa trên các tiêu chí nhất định như thứ tự check-in, các trường hợp khẩn cấp, giá vé, ưu tiên các trường hợp cụ thể (trẻ em, người khuyết tật…)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc như trên có thể là do nhiều hãng hàng không cho phép đặt thừa chỗ nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay, đề phòng trường hợp nếu có khách hủy vé thì vẫn có thể sắp xếp hành khách khác vào chỗ đã bị hủy.

Theo CNN, tại Mỹ, khi chuyến bay bị quá tải, quy định liên bang yêu cầu các hãng hàng không thực hiện hai bước: Thứ nhất, xác định xem có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ hay không. Tiếp đó, trường hợp nếu không có hành khách nào muốn rời chỗ, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời khỏi máy bay.

Theo con số của Bộ Giao thông Mỹ, năm 2015 có đến 46.000 hành khách bị “đuổi” khỏi máy bay một cách miễn cưỡng.

Do đó, tuy các hãng hàng không có quyền “yêu cầu” các thượng đế của mình chuyển chuyến bay, nhưng hành xử như trường hợp mới đây của United Airlines là hoàn toàn quá thiếu chuyên nghiệp nếu không muốn nói là thô bạo. Việc yêu cầu hành khách chuyển chuyến khác nên được tiến hành sớm, trước lúc hành khách lên máy bay chứ không phải khi họ đã yên vị tại chiếc ghế mà mình đã bỏ tiền và công sức để đặt mua.

Hình ảnh từ video

Trong khi hàng không được coi là một trong những loại hình vận tải “không rẻ”, hành khách đáng được sử dụng những dịch vụ có chất lượng tương đương, phong cách phục vụ và ứng xử thân thiện đến từ nhân viên hãng. Điều này hoàn toàn ngược lại trong trường hợp hành khách gốc Việt bị “ngược đãi” bởi nhân viên an ninh của hãng United Airlines.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cái sai của hãng hàng không là thiếu chuyên nghiệp trong xử lý tình huống nhưng không phải hành khách là người hoàn toàn “đúng”.

Mọi hành khách tham gia chuyến bay phải có nghĩa vụ làm theo hướng dẫn và các nguyên tắc từ việc thắt dây an toàn đến sử dụng mặt nạ dưỡng khí, đồng thời, không can thiệp vào công việc của phi hành đoàn khi máy bay được vận hành. Chuyên gia hàng không của Clyde & C, một công ty luật của Anh cho biết, đó là nguyên tắc “sơ đẳng” khi tham gia các chuyến bay.

Duy Tiến
.
.
.