Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt bởi tập trận

Thứ Ba, 05/12/2017, 07:53
Ngày 4-12, Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động cuộc tập trận không quân chung được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó một ngày, CHDCND Triều Tiên đã cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc là “hiếu chiến” và rằng, cuộc tập trận có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, Nga cũng đã lên án các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ukraine tại Biển Đen.


Cuộc tập trận giữa Mỹ - Hàn Quốc mang tên “Vigilant Ace” (tạm dịch “Át chủ bài cảnh giác”), kéo dài đến hết ngày 8-12, có sự tham gia của khoảng 12.000 binh sĩ cùng hơn 230 máy bay các loại tới từ 8 căn cứ quân sự của hai bên, trong đó có hàng chục máy bay chiến đấu tàng hình và các máy bay tối tân như tiêm kích tàng hình F-22 Raptor mà Mỹ lần đầu tiên cho triển khai tới bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó là 6 chiếc F-35A, hàng chục chiếc F-15C và F-16, hai máy bay ném bom chiến thuật B-1B Lancer và 6 chiếc EA-18G Growler.

Cuộc tập trận được tiến hành với nhiều kịch bản, như mô phỏng tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu hạt nhân và tên lửa giả định của CHDCND Triều Tiên. Mặc dù chưa có phản ứng cụ thể sau khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động “Vigilant Ace”, nhưng trong bài xã luận được đăng tải hôm 3-12, tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên gọi Washington và Seoul là “những kẻ hiếu chiến”, đồng thời mô tả cuộc tập trận là “sự khiêu khích toàn lực và công khai nhằm vào CHDCND Triều Tiên, có thể dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân bất cứ lúc nào”.

Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng nhấn mạnh cuộc tập trận này giả định các cuộc tấn công trên thực địa nhằm vào Triều Tiên, theo đó sẽ đẩy tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đến mức bùng nổ, đồng thời cho rằng, các cuộc tập trận như vậy sẽ làm gia tăng những đồn đoán một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào CHDCND Triều Tiên là có thể xảy ra.

Mỹ lần đầu tiên triển khai tới 6 tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Phản bác lại những lời cáo buộc này, ngày 4-12, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định đây “là một sự kiện thường niên giữa hai nước đồng minh và về thực chất chỉ mang tính phòng vệ”, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc sẽ không bình luận về mọi phản ứng của Bình Nhưỡng. Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nêu rõ, cuộc tập trận lần này chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc vào mọi thời điểm và trong mọi điều kiện thời tiết.

“Vigilant Ace” diễn ra chỉ vài ngày sau khi CHDCND Triều Tiên chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới, “có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ”. Bấy lâu nay, Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc là hành động diễn tập xâm lược CHDCND Triều Tiên, trong khi hai nước này lúc nào cũng khẳng định các cuộc tập trận này chỉ mang tính phòng vệ.

Việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo cùng vũ khí hạt nhân và việc Mỹ - Hàn tập trận chung là hai yếu tố gây ra tình trạng gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc gần đây đã đề ra giải pháp “đóng băng kép” để hạ nhiệt căng thẳng nhưng cả hai bên CHDCND Triều Tiên và Mỹ - Hàn đều từ chối. Từ đó khiến mọi nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đều đi vào ngõ cụt, gây ra nhiều quan ngại không chỉ trong khu vực mà cả quốc tế.

Phía Nga cũng lên án các hành động khiêu khích của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên cũng như nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo các đồng minh vào hành động này. Nga cảnh báo Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là nạn nhân đầu tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Còn đối với các cuộc tập trận chung Mỹ - Ukraine, Moscow nêu rõ đây có thể được xem là hành động khiêu khích rõ ràng, và là động thái không thân thiện của Washington. Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ngày 3-12 (giờ địa phương) nhấn mạnh: “Chúng tôi cực lực phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine tại Biển Đen. Đây là một hành động khiêu khích mà Nga xem như một động thái không thân thiện từ phía Mỹ”, đồng thời cảnh báo rằng, các hoạt động như vậy sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, gọi cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ukraine là không thể chấp nhận được, Chủ tịch Uỷ ban quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Yury Shvydkin nhấn mạnh: “Hoạt động này của Mỹ và Ukraine là một sự leo thang căng thẳng khác trong khu vực”.

Những bình luận trên được phía Nga đưa ra đúng một ngày sau khi các lực lượng Ukraine tiến hành cuộc tập trận cùng với tàu khu trục USS James E. Williams của Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu của cuộc tập trận là huấn luyện khả năng tương tác giữa các lực lượng Ukraine với các tàu của những nước đối tác, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.