Bài toán khó đối với chính quyền Tổng thống Mỹ

Thứ Bảy, 18/04/2020, 09:33
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/4 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Chúng ta có thể bắt đầu triển khai mặt trận mới trong cuộc chiến này. Chúng ta sẽ mở cửa đất nước. Chúng ta phải làm như vậy” và nêu rõ, các bang có quyền thực hiện tiến trình mở cửa “ngay từ ngày mai”. 


Nền kinh tế Xứ cờ hoa đang lao đao vì đại dịch COVID-19, khi hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều phải đóng cửa, các hoạt động sản xuất đều tạm dừng do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đau đầu cân nhắc giữa nỗ lực chống dịch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đây thực sự là một bài toán khó đối với chính quyền của ông.

Bật lên mạnh mẽ

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/4 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Chúng ta có thể bắt đầu triển khai mặt trận mới trong cuộc chiến này. Chúng ta sẽ mở cửa đất nước. Chúng ta phải làm như vậy” và nêu rõ, các bang có quyền thực hiện tiến trình mở cửa “ngay từ ngày mai”.

Cũng theo Tổng thống Mỹ, đã có 29 bang “đang chờ đợi và sẵn sàng cho việc sớm mở cửa trở lại”. Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết: “Chúng ta sẽ xây dựng nền kinh tế Mỹ lớn mạnh hơn bao giờ hết. Kinh tế Mỹ sẽ bật lên mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại”.

Ông Donald Trump cùng ngày đã gửi tới Thống đốc các bang bản chỉ dẫn về việc mở cửa trở lại nền kinh tế mang tựa đề “Mở cửa nước Mỹ trở lại”. Bản chỉ dẫn này được cho là đã đề cao trách nhiệm của các thống đốc trong việc phục hồi nền kinh tế các bang và toàn nước Mỹ. Văn kiện này nêu rõ, các bang ghi nhận “xu hướng đi xuống” cả về số ca mắc COVID-19 và các loại bệnh cúm tương tự trong vòng 2 tuần có thể tham gia vào tiến trình gồm 3 giai đoạn để quay trở lại làm việc và hoạt động xã hội gần như ở mức khi chưa có dịch.

Khung cảnh ảm đạm vì dịch COVID-19 tại Quảng trường Thời đại.

Mỗi giai đoạn trên sẽ kéo dài 2 tuần và trong thời gian đó, những bang có số ca lây nhiễm tăng trở lại sẽ phải tiến hành thêm các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, theo chỉ dẫn này, các trường học, trung tâm giáo dục và các quán bar sẽ không được mở cửa trở lại sau khi các bang bước vào giai đoạn 2 trong khi các nhà hàng, rạp chiếu phim và các trung tâm thể thao có thể mở cửa ngay từ giai đoạn một nếu họ “tuân thủ triệt để việc giãn cách xã hội”.

Các hoạt động thể thao có thể được tiến hành nhưng không có khán giả xem trực tiếp và chỉ phục vụ cho việc phát trên truyền hình. Bản chỉ dẫn kêu gọi các bang cần thành lập “các địa điểm giám sát, xét nghiệm an toàn và hiệu quả”, đảm bảo “theo dõi sát tình hình dịch bệnh” và có quyền “tự cung cấp một cách nhanh chóng và độc lập” các thiết bị bảo hộ, trang thiết bị y tế và giường bệnh để có thể xử lý tốt trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.

Đánh giá về bản chỉ dẫn, ông Howard Forman, Giám đốc Chương trình Quản lý y tế tại Đại học Y tế công Yale, cho rằng: “Tổng thống đã đề cập rất đúng vấn đề” dù bản chỉ dẫn này “vẫn là khá mơ hồ”. Giám đốc Howard Forman nhấn mạnh: “Việc thực thi các bản chỉ dẫn là là khá khó khăn vì nó không đề cập đến những cách thức điều phối công việc cụ thể cho từng trường hợp”.

Vị giám đốc này gợi ý, Chính phủ liên bang nên hỗ trợ các bang thông qua việc cung cấp các trang thiết bị phục vụ xét nghiệm và điều các nhân viên y tế công đến làm việc tại một số bang. Trước tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng rằng “các chuyên gia đã khẳng định, đường cong dịch bệnh ở Mỹ đã dần được làm phẳng và đỉnh điểm về số ca mắc mới đã ở phía sau chúng ta. Chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ trải qua những tuần có ít người tử vong hơn so với kể cả những dự báo tích cực nhất”, ông cảnh báo: “Tổng thống đang quá tự tin vào những con số mà tất cả chúng ta đều hiểu là còn rất mơ hồ”.

Liệu có quá rủi ro?

Thiệt hại về mặt kinh tế ở Mỹ đã rất lớn khi hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều phải đóng cửa, các hoạt động sản xuất đều tạm dừng do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ để vượt qua những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ cùng với các biện pháp trợ giúp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã lên tới 6.000 tỷ USD, hơn 1/4 GDP của Mỹ, nhằm cứu vãn các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ nhưng con số này được dự báo vẫn chưa đủ so với nhu cầu thực tế.

Riêng khoản tiền 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay để đối phó với COVID-19 đã không còn và hiện đảng Cộng hòa đang yêu cầu đảng Dân chủ phối hợp để bổ sung khoản ngân sách này. Nền kinh tế đình trệ và một loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa đã dẫn tới gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Việc làm và phát triển kinh tế là hai trọng tâm của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và đây cũng là những yếu tố thu hút sự ủng hộ của cử tri đối với đương kim Tổng thống. Chính vì vậy, ông luôn nôn nóng muốn mở cửa lại nền kinh tế và đã đặt ra mốc 1-5 cho mục tiêu này.

Nôn nóng là vậy nhưng mục tiêu này chưa có gì là chắc chắn sẽ khả thi khi trên thực tế, mặc dù ông chủ Nhà Trắng tuyên bố dịch đã chạm đỉnh nhưng chưa thực sự xuống dốc một cách ổn định. Đây là một bước đi khá rủi ro khi dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại và thậm chí tồi tệ hơn nếu các biện pháp phòng tránh bị lơi lỏng.

Các cố vấn, bao gồm nhiều chuyên gia y tế trong nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng đều cho rằng sự an toàn của người dân là quan trọng nhất và hiện tại cần gia tăng xét nghiệm diện rộng để xác định tình trạng dịch bệnh, tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong khi khá thận trọng khi đề cập tới vấn đề mở cửa lại nền kinh tế.

Ông Donald Trump cho rằng đã tới lúc mở cửa lại nền kinh tế khi đã có một số tiến triển tích cực về dịch bệnh ở một số bang. Tuy nhiên, điều này không diễn ra trên phần lớn nước Mỹ. Thống đốc một số bang ngày 15/4 đã tuyên bố dịch bệnh chưa chạm đỉnh và một số bang bao gồm New York và Thủ đô Washington đã tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội tới ngày 15/5.

Quyết định mở cửa lại nền kinh tế của Tổng thống Donald Trump dường như không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các bang khi chính thống đốc các bang mới là những người quyết định có mở cửa hay không và việc nối lại các hoạt động kinh tế phải tùy thuộc diễn biến dịch bệnh. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ đang phải đau đầu cân nhắc giữa nỗ lực chống dịch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đây thực sự là một bài toán khó đối với chính quyền của ông.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.