Bác sĩ Myanmar nhất loạt đình công, quân đội vẫn "làm ngơ"
- Hé lộ tung tích bà Aung San Suu Kyi sau cuộc chính biến tại Myanmar
- Quân đội Myanmar siết chặt kiểm soát bất chấp yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi
- Quốc tế quan ngại sâu sắc về chính biến tại Myanmar
Ngày 3/2, nhân viên tại nhiều bệnh viện trên khắp Myanmar đã ngừng làm việc nhằm hưởng ứng chiến dịch bất tuân dân sự đang lan rộng tại nước này. Chiến dịch là một trong những hành động phản kháng có tổ chức đầu tiên chống lại quân đội sau khi chính phủ được bầu của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị quân đội đảo chính.
The Guardian cho biết, các nhân viên y tế tại 70 bệnh viện và cơ sở y tế ở Naypyidaw, Yangon và các thị trấn, thành phố khác của Myanmar tuyên bố không làm việc dưới chế độ quân đội, đồng thời cáo buộc các tướng lĩnh đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi những người bình thường trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang bùng phát.
Các nhân viên y tế đeo dải băng đỏ trên ngực áo và cầm những tấm biển là biểu tượng của chiến dịch chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Ảnh: TG |
"Chúng tôi từ chối tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào từ chế độ quân sự bất hợp pháp, những người đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến những bệnh nhân tội nghiệp của chúng tôi", một lãnh đạo chiến dịch bất tuân dân sự tuyên bố.
Trang Facebook điều phối chiến dịch đã thu hút gần 150.000 người theo dõi chỉ trong 24 giờ. Kyaw, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Tây Yangon, người cũng tham gia đình công, cho biết: "Chúng tôi sẽ không dừng phong trào này cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục".
Được biết, thay vì làm việc tại các bệnh viện, các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, tại nhà của họ và tại các bệnh viện tư nhân.
Các nhóm sinh viên và thanh niên cũng đã tham gia chiến dịch bất tuân dân sự. Liên đoàn sinh viên Myanmar cùng ngày đã kêu gọi các viên chức chính phủ khác đình công, mở rộng quy mô của chiến dịch chống quân đội đảo chính.
Các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng tại Myanmar. Ảnh: Reuters |
Trước đó, vào tối 2/2, tiếng xoong nồi và chảo đã vang vọng khắp thành phố Yangon, khi mọi người đều ùa ra ban công, tham gia biểu tình phản đối quân đội. Trên mạng xã hội, nhiều người đã đổi ảnh đại diện sang màu đỏ để thể hiện lòng trung thành của họ với bà Aung San Suu Kyi.
Trong khi đó, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, người được quân đội nước này trao quyền điều hành đất nước sau đảo chính, lại gọi hành vi bắt giữ nhà lãnh đạo Suu Kyi và chiếm quyền là "chuyển giao quyền lực bắt buộc", nhấn mạnh điều này là “không thể tránh khỏi”.
Quân đội Myanmar liên tục cáo buộc kết quả bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái - với chiến thắng thuộc về đảng NLD của bà Suu Kyi - là gian lận. Tướng Min Aung Hlaing đồng thời tuyên bố việc ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm tại Myanmar là điều cần thiết, nhấn mạnh những hành động của họ là tuân theo pháp luật.