Armenia tố F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-25, Nga có thể bị lôi vào cuộc
- Armenia dọa dùng siêu tên lửa Iskander Nga tấn công Azerbaijan
- Azerbaijan bị tố dội "bão lửa" về phía Armenia, số thương vong tăng chóng mặt
- Bùng phát chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan
Thông tấn Nga TASS ngày 29/9 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Armenia cho biết bay Su-25 của nước này bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi lúc 10h30 sáng cùng ngày, khi chiếc cường kích đang làm nhiệm vụ trên không phận Armenia.
Máy bay Su-25. Ảnh: TASS |
"Khoảng 10h30, các máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ căn cứ không quân ở Ganja đã hỗ trợ lực lượng Azerbaijan tấn công vào thành phố Vardenis... Máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiếc Su-25 của Không quân Armenia", phía Armenia thông tin.
Ganja là sân bay ở Azerbaijan. Đây cũng là nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ từng triển khai tiêm kích F-16 tham gia các cuộc huấn luyện chung cùng Azerbaijan, đồng minh quan trọng của Ankara ở khu vực.
Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã khai hoả khi hoạt động ở khoảng cách 60km bên trong không phận Azerbaijan, ở độ cao 8.200m. Phi công người Armenia đã thiệt mạng sau vụ việc.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày bác bỏ cáo buộc nói trên. Phía Azerbaijan cũng phủ nhận thông tin do Armenia đưa ra.
Vụ việc xảy ra vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hỗ trợ Azerbaijan chống lại Armenia cả về ngoại giao và quân sự. Armenia, trong khi đó, cảnh báo triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tại Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ sáng 27/9 và đang diễn ra ác liệt sang ngày 29/9. Cả hai đều cáo buộc phía kia tấn công dữ dội vào các mục tiêu của họ.
Hôm 28/9, Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toghanyan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều khoảng 4.000 tay súng từ miền Bắc Syria tới giúp Azerbaijan chiến đấu ở Nargorno-Karabakh. Tuy nhiên, Azerbaijan bác bỏ thông tin này.
Cần lưu ý, Armenia là một thành viên của liên minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cùng với Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Theo điều khoản, các thành viên trong liên minh có thể yêu cầu các thành viên khác trợ giúp về mặt quân sự. Toghanyan tiết lộ nước này có thể kích hoạt CSTO sau vụ F-16 bắn rơi Su-25.
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi.
Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Theo DW, tổng số người chết trong đợt giao tranh nghiêm trọng nhất kể từ 2016 này đã lên đến 95 người, phần lớn của Armenia. Trong đó, 11 người thiệt mạng là dân thường, gồm 9 người ở Azerbaijan và hai người ở Armenia.
Các chuyên gia nhìn nhận tình hình ở Nagorno-Karabakh có thể leo thang thành xung đột quân sự tổng lực giữa Armenia và Azerbaijan. Cộng đồng quốc tế, nổi bật nhất là Nga, gần đây có nhiều bước đi để hạ nhiệt căng thẳng, song chưa có tiến triển.
Hôm 29/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp kín và bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự, lên án các hành động sử dụng vũ lực và ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.