Armenia nói chưa cần lôi Nga vào cuộc chiến với Azerbaijan
- Lãnh đạo Armenia-Azerbaijan nêu điều kiện hóa giải xung đột
- Lệnh ngừng bắn thứ hai giữa Armenia-Azerbaijan đổ vỡ, Su-25 lại bị bắn rơi
- Azerbaijan tuyên bố phá lô vũ khí giá một tỷ USD của Armenia
"Không cần phải kéo Nga vào cuộc xung đột. Người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã chứng minh họ có thể tự bảo vệ lãnh thổ. Thay vì lôi Nga hay bất cứ quốc gia nào khác vào cuộc, điều lúc này là cần loại bỏ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Armenia Armen Sarkissian ngày 20/10 nói với France24, theo TASS.
Xe tăng Nga và xe tăng Armenia tham gia tập trận chung. Ảnh: ITN |
Đề cập thêm quan hệ giữa Armenia và Nga, ông Armen Sarkissian tái khẳng định Moscow "đã và đang là đồng minh của Armenia từ nhiều năm qua và hai nước có quan hệ dựa trên lòng tin".
Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu. Theo hiến chương CSTO, bất cứ hành động gây hấn chống lại một bên ký kết nào sẽ được coi là hành động xâm lược chống lại toàn bộ liên minh và Nga có nghĩa vụ triển khai lực lượng hỗ trợ.
Cách đây không lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng thực hiện cam kết trợ giúp đồng minh Armenia, song nói rằng cam kết đó không bao gồm khu vực chiến sự Nagorno-Karabakh, vì đây không phải lãnh thổ được công nhận của Armenia.
Chiến sự ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ 27/9 và diễn ra ác liệt nhiều tuần qua, bất chấp yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện, ngay lập tức của cộng đồng quốc tế, với vai trò nổi bật của nga và nhóm nhóm Minsk-OSCE do Nga, Pháp, Mỹ làm đồng chủ tịch.
Nga có tiếng nói đặc biệt quan trọng ở khu vực, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Armenia và Azerbaijan. Nước này gần đây đã môi giới hai thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, các thỏa thuận đều đã không được hai bên tham chiến tuân thủ.
Trong khi đó, truyền thông khu vực gần đây cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng ngàn các tay súng từ Syria và máy bay không người lái tới hỗ trợ đồng minh Azerbaijan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng đã xác nhận thông tin, nhưng Azerbaijan sau đó lên tiếng bác bỏ.
Các nhà phân tích cho rằng sự can dự trực tiếp của Ankara có nguy cơ kéo Nga vào cuộc xung đột, trong trường hợp chiến sự leo thang ra ngoài khu vực Nagorno-Karabakh.