Anh vẫn chưa đưa ra chiến lược cụ thể về Brexit

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:14
Đúng ngày này 6 tháng trước (ngày 23-6), nước Anh đã đưa ra một quyết định táo bạo khi chính thức đặt dấu chấm hết cho “cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, mặc dù đã đưa ra nhiều tuyên bố về việc sẽ thực hiện các thủ tục để đưa Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, nhưng Chính phủ “Xứ sở sương mù” vẫn chưa đưa ra được chiến lược rõ ràng về Brexit.

Giải thích cho sự chậm trễ này, các chuyên gia phân tích đã đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, nội bộ Anh đang có những bất đồng sâu sắc về các điều kiện thực hiện Brexit. Lực lượng cánh hữu trong Chính phủ Anh ủng hộ phương án hủy bỏ hoàn toàn sự liên kết với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU, cấm tự do đi lại và hủy bỏ khả năng làm việc với Tòa án EU. Trong khi đó, lực lượng theo chiều hướng cánh tả phản đối kịch bản này vì cho rằng điều đó sẽ đem lại những hậu quả không thể khắc phục cho giới doanh nghiệp Anh vì giới doanh nghiệp Anh đang hoạt động ở châu Âu theo các điều kiện chung và không gặp bất cứ rào cản nào.

Lý do thứ hai là, rất nhiều người trước đó, cả người dân và các chính trị gia, tích cực ủng hộ Brexit hiện tại lại cố gắng trì hoãn quá trình bắt đầu đàm phán với Brussels, vì họ đang cảm nhận được các rủi ro khi Anh thực hiện Brexit. Ngoài ra, trong khi một số chính trị gia cho rằng, quá trình “ly hôn” với Brussels cần phải thực hiện một cách đầy đủ và Anh sẽ rời thị trường chung châu Âu, thì một số khác lại cho rằng điều đó sẽ là thảm họa với nền kinh tế nước này.

Theo những người này, Anh vẫn phải duy trì các mối quan hệ kinh tế gần gũi với EU, vẫn ở trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) hoặc ký kết với EU một hiệp định đặc biệt như Thụy Sỹ đã làm hồi năm 1999. (Thỏa hiệp song phương Thụy Sỹ - EU bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phá bỏ các rào cản buôn bán như việc di chuyển nhân công cùng vận tải hàng hóa và kỹ thuật giữa hai bên).

Đã 6 tháng trôi qua nhưng Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra được chiến lược rõ ràng về Brexit.

Những mâu thuẫn, bất đồng này đang khiến Chính phủ của Thủ tướng Theresa May chưa thể đưa ra các bước đi cụ thể để thực hiện Brexit, và sự chậm trễ này đang có những những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới nền kinh tế “Xứ sở sương mù”. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là việc đồng Bảng Anh đã bắt đầu mất giá trị.

Bên cạnh đó, kế hoạch rời “mái nhà chung” EU của Anh cũng gặp rắc rối khi Tòa án thượng thẩm của nước này mới đây tuyên bố chỉ Quốc hội mới có quyền quyết định khởi động tiến trình Brexit. Thủ tướng May khẳng định các nghị sĩ Anh không cần phải bỏ phiếu vì quyết định được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo giới phân tích, nếu Chính phủ Anh không thể thắng Tòa án, quá trình Brexit có thể bị dừng lại nhiều tháng ở Quốc hội bởi những tranh luận của các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU.

Về phía EU, tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước các nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán về vấn đề Brexit, nhưng kêu gọi các thành viên đoàn kết nhằm đảm bảo Anh không hưởng một thỏa thuận quá “ngọt ngào” mà không phải trả giá, điều bị cho rằng có thể khuyến khích các thành viên còn lại có ý định rời “mái nhà chung” EU.

Theo đó, ngay bên lề hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên EU đã gặp riêng nhau mà không có mặt của Thủ tướng May để bàn về vai trò của Liên minh này trong đàm phán các vấn đề liên quan đến Brexit (với Anh). Họ đã tuyên bố hoàn toàn thống nhất về bốn loại “tự do lưu thông” không thể tách rời, đó là: Hàng hóa, con người, dữ liệu và các dịch vụ. Sự thống nhất mà lãnh đạo 27 nước đạt được cũng chính là thông điệp rõ ràng gửi tới Thủ tướng Anh rằng, họ từ chối mọi cuộc đàm phán riêng rẽ khi mà nước Anh chưa chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó thời hạn đàm phán về Brexit là hai năm.

Theo giới phân tích, sự đoàn kết cùng thái độ dứt khoát của cả 27 nước EU không phải vô tình mà là một hành động có tính toán kỹ và mang nhiều ý nghĩa, là một thông điệp chính trị rõ ràng và mạnh mẽ của EU gửi tới nước Anh và những ai có tư tưởng ly khai. Cũng với hành độnh đoàn kết này, các nước EU đã khẳng định được rằng liên minh này hoàn toàn không phải là một đối tác bị động. Với qui mô dân số, kinh tế và thị trường vượt trội cùng sự đoàn kết nhất trí, EU hoàn toàn có thể giữ vai trò chủ động trong đàm phán với nước Anh.

Trước một EU chủ động như vậy, nước Anh không còn cách nào khác là phải đẩy nhanh tiến trình Brexit.

Khổng Hà
.
.
.