Anh và EU đạt bước đi quyết định về Brexit
- Anh và EU đạt thỏa thuận mới về chuyển giao hậu Brexit
- Châu Âu chia rẽ hậu Brexit
- Anh muốn kéo dài giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit?
- Các hãng xe Nhật rời Anh sau Brexit?
Anh chấp nhận nhượng bộ
Theo dự thảo thỏa thuận, được tờ The Guardian ngày 20-3 đưa tin, Anh sẽ tiếp tục được ở lại EU cho tới ngày 31-12-2020 với các quyền lợi cơ bản của một thành viên, được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan, nhưng không được tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách cho khối trong thời gian này.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis nói rằng, các điều khoản của thỏa thuận sẽ giúp các doanh nghiệp Anh có thêm thời gian chuẩn bị, đồng thời làm gia tăng sự lạc quan vào khả năng nước Anh có thể tiến tới một hiệp định thương mại với EU sau khi rời khỏi khối.
Điều này đã mang lại những tín hiệu tích cực, khi trên thị trường tài chính London, đồng Bảng Anh đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần qua so với đồng EUR và đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng so với đồng USD.
Tuy nhiên, để đạt được quyền lợi trên, Chính phủ Anh đã phải từ bỏ hầu như mọi yêu cầu cứng rắn mà họ đưa ra trước đó. Cụ thể, thời hạn quá độ trong EU dành cho Anh chỉ là 21 tháng giống như lời đề nghị của EU chứ không phải là 24 tháng hoặc nhiều hơn như mong muốn từ phía Anh.
Anh và EU vừa đạt thỏa thuận mới về chuyển giao hậu Brexit. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Anh sẽ tiếp tục phải đóng góp tài chính cho châu Âu, nhưng lại bị tước bỏ hết quyền bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu, cũng như không được giữ các ghế Ủy viên Ủy ban châu Âu hay nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu.
Yêu cầu kiên định của nữ Thủ tướng Anh Theresa May về việc “công dân các nước thuộc EU đến Anh trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ nhận được sự đối đãi khác với những người vốn ở Anh” cũng đã bị EU khước từ thẳng thừng.
“Công dân Anh và công dân của các nước trong khối EU đến Anh trong thời kỳ chuyển tiếp sẽ nhận được quyền và sự bảo đảm giống những người đã đến đó trước ngày Brexit diễn ra”, Michel Barnier, người đứng đầu nhóm đàm phán EU, thông báo tại họp báo về bản dự thảo thỏa thuận với London.
Giới phân tích châu Âu cho rằng, sở dĩ Anh đã chấp thuận từ bỏ nhiều yêu cầu bởi nước này đang chịu sức ép rất lớn từ giới kinh doanh trong nước, những người lo ngại rằng nếu không có giai đoạn quá độ đủ dài để tìm kiếm một thoả thuận thương mại mới với EU thì nền kinh tế Anh sẽ rơi vào khoảng trống sau Brexit với các hậu quả khó lường.
Trong thoả thuận vừa đạt được tại Brussels, nhượng bộ duy nhất mà phía EU đưa ra là: Cho phép nước Anh trong giai đoạn quá độ 21 tháng được phép tiến hành đàm phán các thoả thuận thương mại với các nước thứ ba. Tuy nhiên, các thỏa thuận này sẽ chỉ được ký kết khi thời gian quá độ đã kết thúc.
Điểm dừng trong vấn đề Bắc Ireland
Theo Reuters, trong các điều khoản của dự thảo vừa được thống nhất, Anh và EU đã không thỏa thuận gì về vấn đề biên giới trên đảo Ireland, nói cách khác là chấp nhận kế hoạch an toàn khi tạm giữ Bắc Ireland dưới luật của EU để tránh cho “biên giới cứng” được dựng lên ở biên giới với Cộng hòa Ireland cho tới khi hai bên tìm thấy giải pháp tốt hơn trong các cuộc đàm phán tương lai.
Vương quốc Anh và EU từng tiến rất gần đến một thoả thuận lịch sử về Brexit hồi cuối năm 2017 tại Brussels nhưng rồi lại phải từ bỏ vào phút cuối cùng vì các trở ngại liên quan đến vấn đề biên giới trên đảo Ireland giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và nước Cộng hòa Ireland. Phía EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland khi muốn duy trì tình trạng như hiện nay sau Brexit, tức là không có “đường biên giới cứng” giữa hai bên và các quy định của EU về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland.
Phía Cộng hòa Ireland cũng lo ngại một đường “biên giới cứng” (để kiểm soát nhân thân, hải quan) được tái thiết lập giữa hai phần của hòn đảo có thể sẽ phá vỡ thoả thuận hoà bình 1998, đẩy hòn đảo này quay lại tình trạng xung đột như vài thập kỷ trước. Về mặt kinh tế, một đường biên giới cứng cũng sẽ cản trở lớn đến lưu thông hàng hoá và trao đổi kinh tế giữa hai bên.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là Bắc Ireland là lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh nên sau Brexit, khi Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu, Bắc Ireland cũng phải tiếp bước và khi đó luật lệ áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland là luật lệ của Anh, bởi vậy, việc dựng lên một đường “biên giới cứng” để kiểm soát nhận dạng và thuế quan giữa hai bên được xem là khó có thể tránh khỏi.
Như vậy, với điểm “tạm dừng” này, các bên có thể tiếp tục đưa ra các đề xuất cho vấn đề biên giới trên đảo Ireland, qua đó tránh được việc thiết lập đường biên giới cứng, chẳng hạn như một hiệp định thương mại giữa EU và Anh hay một giải pháp cụ thể nào đó được đề xuất bởi London.
Được biết, bản dự thảo thỏa thuận 53.000 từ này được công bố chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng Theresa May bác bỏ dự thảo do EU đề xuất, vốn có điều khoản về “khu vực kiểm tra chung” trên đảo Ireland. Bà May cho rằng đề xuất của EU sẽ tạo ra một đường biên trên biển Ireland, điều mà nước Anh không bao giờ chấp nhận.