Đại biểu Quốc hội nói về phiên chất vấn, trả lời chất vấn
- Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về 'phong trào' xây quảng trường
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn thay Thủ tướng
- Bộ trưởng nào sẽ đăng đàn trong chất vấn kỳ này?
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Báo cáo của Chính phủ rất thẳng thắn
Đây là nội dung, cách thức mới trong hoạt động chất vấn mà chưa kỳ họp nào thực hiện, nhằm đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội sáng 16/11 thẳng thắn, đầy đủ với 17 nội dung được tổng hợp chi tiết giúp các đại biểu và nhân dân, cử tri cả nước có thêm thông tin.17 nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng thời, việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ giúp các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước hiểu rõ về hoạt động của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Nhân dân và cử tri cả nước mong chờ các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đặt các câu hỏi, đồng thời được lắng nghe các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đầy đủ, có giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh): Nhiều vấn đề được bộ trưởng tiếp thu, xử lý
Qua báo cáo của Chính phủ và trả lời chất vấn tại Quốc hội, tôi thấy nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn đã được bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, xử lý. Chẳng hạn như mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định phát huy vai trò của công nghiệp phụ trợ, là vấn đề đã nêu ra tại kỳ chất vấn trước. Cách làm lần này của Quốc hội rất hay, bởi đây là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, mục tiêu rà soát lại quá trình thực hiện các Nghị quyết trước đó của Quốc hội. Việc chất vấn đối với các bộ trưởng và trưởng ngành thực hiện như thế nào đã có báo cáo cho cử tri biết. Đây là việc làm tốt, có thể phát huy cho nhiệm kỳ sau. Tuy vậy, tại chất vấn trước Quốc hội cũng cho thấy, nhiều vấn đề tiêu cực, bức xúc được nhắc lại rất nhiều lần nhưng giải quyết không hiệu quả, có những vấn đề cách trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành vẫn còn chung chung, không rõ trách nhiệm.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Đụng con cháu, người thân, không “gạt” được!
Có những vấn đề chất vấn nói nhiều nhưng chưa thực hiện được, ví dụ như tinh giản biên chế. Vì sao như vậy? Theo tôi, trước hết dù ta vẫn giao chỉ tiêu giảm biên chế nhưng lại giao tăng biên chế đối với một số bộ, ngành, địa phương do chia tách địa giới hành chính và thành lập cơ quan, đơn vị mới. Chính vì vậy số lượng biên chế lại tăng lên. Rồi ta mới yêu cầu giao giảm đối với công chức trong khi viên chức nhà nước lại không thực hiện quyết liệt. Theo quy định, chỉ tiêu viên chức của từng địa phương giao các địa phương đó xem xét quyết định nên khi Trung ương siết vào thì địa phương lại mở ra, không giảm được. Đặc biệt, nói tinh giản biên chế nhưng khi làm lại đụng “con ông, cháu cha” hay các mối quan hệ thân quen không “gạt” được; rồi cũng bằng cách này, cách khác lại đưa thêm vào, thành thử giảm một nhưng lại tăng hai, ba.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Chính sách giáo dục phải được tiến hành thận trọng
Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vì đây là Bộ có đặc thù công việc gắn với những vấn đề dân sinh, bức xúc. Vì vậy, chúng tôi luôn lưu ý Bộ trưởng cần rất thận trọng trong làm chính sách, vì đối tượng tác động là cả một thế hệ. Nhưng hình như Bộ GD&ĐT đã quá tự tin nên cảm giác đổi mới giáo dục như là triển khai một dự án, trong khi đây là chủ trương rất lớn. Những điều này đã khiến có sự chênh trong nhận thức xã hội, dẫn đến bức xúc không đáng có. Tôi cho rằng, điều bất cập của Bộ trưởng chính là cách làm việc. Bộ khẳng định không bỏ môn Lịch sử, vẫn là môn bắt buộc, thời lượng dành cho sử nhiều hơn. Nhưng nếu học mà không thi các cháu không học nữa thế có nghĩa là khai tử. Quan trọng nhất là 1 bộ môn truyền thống mà chúng ta không vực dậy mà lại đòi thay thế bằng môn chưa biết nó là cái gì, thì ai có thể tin để ủng hộ?
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Trả lời chất vấn còn sa vào đánh giá
Đây là kỳ chất vấn cần có sự tổng hợp lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay nên có tính chất tổng hợp, khái quát cao. Điều này đòi hỏi người hỏi và trả lời có tư duy khái quát. Trong ngày chất vấn đầu tiên, bên cạnh một số đại biểu hỏi tương đối trọng tâm thì có một số vị phát biểu như kiểu đánh giá lại phần thảo luận kinh tế - xã hội. Nếu phát biểu lại cũng đánh giá tình hình thì không còn ý nghĩa chất vấn. Chất vấn là quy trách nhiệm người đứng đầu, chứ không phải là đi đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Người trả lời cũng phải trả lời theo tinh thần ấy. Tôi có cảm giác chất vấn còn dàn trải, sa vào đánh giá lại toàn bộ hoạt động của bộ mình, ngành mình trong cả thời gian dài. Chất vấn ý nghĩa cuối cùng là truy rõ trách nhiệm, nếu chưa làm thì phải nói rõ vì sao, trách nhiệm thuộc về ai?