Chất vấn không phải làm căng thẳng!

Thứ Hai, 16/11/2015, 10:27
“Mục đích chất vấn không phải làm căng thẳng vấn đề mà nhìn thẳng sự thật để giải quyết vấn đề cho tốt” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý tại phiên khai mạc chất vấn sáng nay.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn kỳ này được chú ý bởi tính chất tổng kết nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ, có 9 Nghị quyết đặt ra các yêu cầu của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Quản lý Nhà nước còn liên quan đến cả Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Mục đích của phiên họp toàn thể này là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện thế nào, tốt chưa, qua đấy thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương thiết thực phục vụ yêu cầu của đồng bào, cử tri chưa. 

Qua chất vấn cũng xem còn những gì tồn tại mà đất nước, bộ máy Nhà nước sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Qua đánh giá của Quốc hội cũng sẽ rút ra được hoạt động giám sát và chất vấn của Quốc hội làm như vậy đã tốt chưa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chất vấn đi thẳng vào vấn đề để cùng thảo luận, giải quyết những vấn đề nêu ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. 

“Mục đích chất vấn không phải làm căng thẳng vấn đề mà nhìn thẳng sự thật để giải quyết vấn đề cho tốt; để cử tri thấy được hoạt động này rất thiết thực, đem lại kết quả nhìn thấy rõ. Đây là phiên họp được đồng bào, cử tri chờ đợi, là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu lưu ý một số vấn đề trước phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Báo cáo kết quả thực hiện 7 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 7 Nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội sáng nay tổng kết 17 lĩnh vực, đánh giá tổng quan những việc đã làm được và chưa làm được. Báo cáo này cho thấy, những việc đã làm được trên 17 lĩnh vực (như kế hoạch đầu tư, tài chính, tư pháp, giáo dục, y tế, nội vụ...) thì hầu hết dung lượng báo cáo nêu những vấn đề đã làm được, mỗi lĩnh vực chỉ dành một đoạn ngắn (khoảng vài dòng) nói việc chưa làm được. Ví dụ, ở lĩnh vực ngân hàng, báo cáo dành 36 dòng nêu những vấn đề đã làm được, 6 dòng nói những vấn đề chưa làm được. Lĩnh vực giao thông vận tải có 26 dòng nói những vấn đề đã làm được, 6 dòng nói những vấn đề chưa làm được... 

Chẳng hạn, lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo cáo đánh giá, nhiệm kỳ qua đã xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Báo chí (sửa đổi), ban hành và triển khai các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tăng cường quản lý nhà nước; xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật An toàn thông tin; triển khai hệ thống giám sát, quản lý, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Thực hiện Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia. Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng viễn thông trong nước và kết nối quốc tế. Chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm thông tin truyền thông có công nghệ cao. Phòng chống mã độc, tấn công mạng và các doanh nghiệp viễn thông, cung cấp dịch vụ mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về hạn chế, báo cáo nêu: “Tuy nhiên, sai phạm trong hoạt động báo chí còn nhiều; việc ngăn chặn thông tin sai trái, độc hại trên các trang tin điện tử, mạng xã hội rất khó khăn; việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác, sim rác”. Các đại biểu tiếp tục phân tích, làm rõ những vấn đề này.

Đ.Minh
.
.
.