Những ý kiến tâm huyết của đại biểu Công an gửi đến ĐHĐB dân tộc thiểu số
- Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II
- Ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ II
- Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II tiến hành phiên trù bị
- Đoàn đại biểu Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ II vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trung tá Vi Đình Phú, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An: Phát huy tinh thần trách nhiệm, góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc miền Tây xứ Nghệ
Nghệ An có 49/53 dân tộc thiểu số sinh sống ở 21 huyện, thành phố, thị xã, trong đó dân tộc thiểu số có gần 5 vạn người, sinh sống tập trung ở 11 huyện, thị vùng miền Tây Nghệ An và 2 xã của huyện đồng bằng Quỳnh Lưu. Nghệ An cũng là tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài nhất cả nước với hơn 400km.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, Chính Phủ, các bộ ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an tỉnh, tình hình ANTT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An cơ bản được giữ vững và ổn định, không để xảy ra vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề dân tộc.
Trung tá Vi Đình Phú. |
Tuy vậy, Nghệ An vẫn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: Hoạt động tác động của việc thành lập nhà nước Mông từ bên ngoài vào địa bàn, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, hoạt động di cư tự do, mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, buôn bán người, trong đó có nổi lên là loại tội phạm mua bán bào thai, hoạt động liên quan đến tội phạm ma túy...
Là đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An thuộc lực lượng CAND về dự đại hội hôm nay, bản thân tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào. Xác đinh rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm là hạt nhân tích cực, gương mẫu, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu, chủ động nắm chắc tình hình; đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc.
Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh ngăn chặn các đối tượng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; không để các vấn đề phức tạp liên quan dân tộc thiểu số tác động tiêu cực đến địa bàn… Nhất là thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần giữ vững ổn định chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đại uý Thạch Bình (SN 1988) Trưởng Công an xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, dân tộc Khmer: "Ba cùng" với đồng bào để tiếp thu thêm những kinh nghiệm quý trong công tác vận động quần chúng…
Thới Xuân là xã vùng sâu vùng xa và là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất của TP Cần Thơ, chiếm 40% dân số. Thời gian qua, tình hình dân tộc rất ổn định; các chính sách tôn giáo, dân tộc được Đảng, Nhà nước chăm lo đầy đủ; đồng bào được tiếp cận chính sách rất kịp thời, đồng bào các dân tộc tích cực phối hợp cùng với chính quyền địa phương góp phần giữ gìn ANTT, phát triển kinh tế xã hội, tham gia sản xuất…
Công an xã đã tập trung các biện pháp, chế độ chính sách để hỗ trợ cho bà con, đặc biệt là dân tộc Khmer; thường xuyên hỗ trợ những phần quà nhân các dịp lễ tết của đất nước nói chung và Tết của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng cũng như thời gian dịch bệnh COVID - 19 diễn ra phức tạp. Bà con rất vui mừng, tin tưởng vào sự quan tâm của lực lượng Công an xã, bởi tuy đã thoát nghèo nhưng đời sống của đồng bào vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đại úy Thạch Bình. |
Dưới sự tham gia, hướng dẫn của lực lượng Công an xã, cộng đồng dân tộc Khmer đã thành lập các “Đội dân phòng”, “Tổ nhân dân tự quản”, “người uy tín” trong công tác đảm bảo ANTT, mang lại hiệu quả thiết thực. Với mong muốn các em trong xã mình có thể đọc viết thành thạo tiếng của dân tộc, cứ vào buổi chiều muộn các ngày, sau giờ cơ quan, tôi lại cố sắp xếp quỹ thời gian ít ỏi để đến với lớp dạy tiếng Khmer cho các em nhỏ tại địa phương. Lúc đầu lớp chỉ vài ba em, sau đó lớp ngày càng đông hơn. Thấy các em hăng say học tập, tôi cũng vui lây.
Tốt nghiệp Đại học ngành Tôn giáo dân tộc, lòng yêu ngành, yêu nghề ngày càng lớn dần trong tôi nhất là từ khi được tăng cường từ Công an huyện xuống Công an xã. Được tiếp xúc với bà con hàng ngày, mong muốn mang bình yên đến cho bà con mình trong tôi ngày một lớn hơn. Gắn bó với những người có uy tín, chức sắc tôn giáo ở địa phương, tôi tiếp thu thêm được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác vận động quần chúng…
Trung úy Hoàng Thị Thoa, sinh năm 1994, dân tộc Tày, cán bộ Phòng an ninh đối nội Công an tỉnh Đồng Nai: Phát huy sức trẻ trong công tác đảm bảo an ninh dân tộc thiểu số.
Vinh dự và tự hào khi bản thân tôi là một trong những nữ đại biểu thanh niên dân tộc thiểu số trẻ được đại diện cho Công an tỉnh Đồng Nai tham dự đại hội, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đến thăm Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Xúc động hơn cả là tôi được hòa mình vào dòng người vào viếng Lăng Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và mãi là tấm gương sáng về tinh thần đại đoàn kết dân tộc cho lớp trẻ chúng tôi học tập và noi theo.
Trung úy Hoàng Thị Thoa. |
Đại hội lần này thực sự đã đem đến cho tôi rất nhiều cơ hội được giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, giúp tôi hiểu biết về văn hóa truyền thống của tất cả các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc. Mong rằng sau đại hội này, tinh thần đoàn kết các dân tộc sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, các dân tộc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Sau kỳ đại hội, bản thân là một chiến sỹ Công an, tôi tự xác định mình có trách nhiệm truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc đến với cơ quan, đơn vị, đồng thời góp phần công tác đảm bảo an ninh dân tộc tại địa phương được sâu sát và phát huy hiệu quả cao nhất. Tôi cũng sẽ không ngừng cống hiến sức trẻ, tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc và luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm an toàn xã hội nói chung và công tác đảm bảo an ninh dân tộc thiểu số nói riêng.
Thiếu tá Y Cảnh Niê, dân tộc Ê đê, Trưởng Công an xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông: Góp sức giữ bình yên Tây Nguyên
Là Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Nô được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Đắk Sôr, thời gian qua tôi đã cùng tập thể Ban Công an xã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đắk Sôr là địa bàn có 13 dân tộc anh em sinh sống, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự như nạn tảo hôn, tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, nghiện ma túy, cờ bạc... Trước tình hình đó, chúng tôi xác định lấy công tác phòng ngừa là chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sống và làm việc theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó đảo bảo tốt an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, tôn giáo.
Thiếu tá Y Cảnh Niê. |
Một trong những điểm quan trọng là nắm những mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân, từ đó phát hiện, tham mưu giải quyết kịp thời các hoạt động tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, tránh để những mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành mâu thuẫn lớn, dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc phạm tội. Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ số chức sắc, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo góp phần đảm bảo công tác an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh trật tự trên địa bàn. Nâng cao tinh thần cảnh giác của bà con, tự đề kháng trước mọi âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là thủ đoạn lôi kéo, kích động tham gia hoạt động Fulro, thành lập “Vương quốc Mông”.
Được tham gia Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II tôi cảm thấy vinh dự, tự hào, tự hứa lòng mình sẽ quyết tâm cao hơn nữa, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công việc để cùng Tập thể Công an xã Đắk Sôr giữ ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cửa ngõ Tây Nam của vùng đồng bào Tây Nguyên nói chung.
Trung tá Mùa A Của, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về Hình sự, Kinh tế, Ma tuý, Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Bám sát địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Tây Bắc Tổ quốc.
Vân Hồ là một huyện của tỉnh Sơn La với 8 đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Với tư cách là một người chiến sĩ CAND, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về Hình sự, Kinh tế, Ma tuý, bản thân tôi luôn bám sát địa bàn, xuống tận những thôn, bản trực tiếp cùng với đồng đội xuống ăn, ngủ, làm việc với bà con; kết hợp với Công an xã, những người có uy tín để nắm tình hình. Là người đồng bào dân tộc Mông nên tôi hiểu được những điểm mạnh và hạn chế của dân tộc mình. Do đó, trong công tác, tôi đã áp dụng linh hoạt, khéo léo lồng ghép công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước với các biện pháp nghiệp vụ Công an.
Trung tá Mùa A Của |
Phần lớn dân số địa phương đều là người đồng bào dân tộc thiểu sổ, vì vậy việc biết tiếng, hiểu những phong tục tập quán của họ là điều rất quan trọng. Do vậy, thời gian qua, Công an tỉnh Sơn La đã mở nhiều lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ chiến sỹ, nhất là những người trực tiếp bám địa bàn. Bản thân tôi cũng “bổ túc” thêm cho các đồng chí trong Đội vào những thời gian rảnh hay những lần xuống với bà con.
Vinh dự được Bộ Công an cử tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, tôi rất tự hào. Sau Đại hội, tôi sẽ tuyên truyền những ý kiến, nội dung tiếp thu được với bà con, trước tiên là với người thân, họ hàng, đồng bào dân tộc tôi… Đồng thời, áp dụng kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn để vận động các đối tượng vi phạm pháp luật, mua bán trái phép chất ma tuý và người dân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.