Xử lý thế nào nếu người đã nghỉ hưu bị kỷ luật?
- Cắt một số quyền lợi của cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật
- Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương: Cần làm rõ tính pháp lý trong xử lý cán bộ nghỉ hưu
- Sẽ xem xét Nghị quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu
Thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, trong đó nội dung về các hình thức kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu khẳng định, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về đảng và xử lý kỷ luật về hành chính nhà nước là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển |
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề nghị không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân, huy chương.
Bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chỉ ra, khi cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu về địa phương thì không còn trong biên chế, không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương hưu qua hệ thống bảo hiểm xã hội, đưa đối tượng này vào luật rất là khó, khiên cưỡng.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân nêu rõ: “Tôi rất đồng tình là cần thiết phải đưa biện pháp để xử lý những đối tượng này vào trong luật. Tôi nghĩ xem xét hệ quả vật chất chúng ta chỉ có thể dễ dàng tước bỏ của họ những phụ cấp đặc thù hoặc là quyền lợi khám sức khoẻ, còn lương hưu của họ hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội thì không thể cắt được”.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân |
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Long An thì đề nghị giới hạn việc “hồi tố” xử lý cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác trong một phạm vi nhất định và đặc biệt áp dụng cho những người giữ chức vụ, quyền hạn, không áp dụng chung hết cho đội ngũ cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc. “Chúng ta chưa đánh giá và lường hết những vấn đề bất cập những hệ quả pháp lý, nếu chúng ta xử lý như thế. Theo xu hướng này mà chúng ta xử lý hết thì sẽ xuất hiện một xu hướng là khi phát hiện sai phạm của cán bộ, công chức gần như đổ lỗi hết cho những người nghỉ việc hoặc nghỉ hưu” – đại biểu nêu ý kiến .