Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để phòng chống tiêu cực

Thứ Bảy, 14/04/2018, 16:32
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng có bài viết phanh phui tiêu cực trong ngành Hải quan, khiến Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan phải vào cuộc, yêu cầu xử lý nghiêm khắc.

Đã đến lúc, tiêu cực trong ngành Hải quan không chỉ coi là “con sâu làm rầu nồi canh”, mà là một thực trạng đã tồn tại quá lâu, vừa làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, vừa làm giảm sức cạnh tranh của  nền kinh tế trong thời buổi mở cửa, hội nhập. Đã có nhiều giải pháp đưa ra, nhưng biện pháp hữu hiệu vẫn là xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu mới  phòng chống được tiêu cực.

Trong lúc các bộ, ngành, địa phương đang cố gắng rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng, tránh phiền nhiễu cho công dân và doanh nghiệp, thì tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, người ta lại cho duy trì “Cổng B”, hoạt động chồng chéo với chức năng của “cổng A”, tạo điều kiện cho tiêu cực  phát sinh khi lưu thông hàng hóa qua biên giới.

Tiêu cực ở Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo chưa kịp lắng xuống, thì báo chí lại phanh phui tiêu cực tại Chi cục Hải quan Đình Vũ (Cục Hải quan TP Hải Phòng).

Theo phản ánh ở đây, tất cả các container hàng hóa, dù đã được phân loại luồng xanh (không cần kiểm tra, rà soát); luồng vàng (rà soát giấy tờ) hay luồng đỏ (kiểm tra hàng hóa) thì vẫn phải nộp tiền “bôi trơn” cho cán bộ hải quan thì công việc mới được xuôn sẻ. Các doanh nghiệp muốn xuất nhập hàng hóa phải thuê một đội ngũ nhân viên lo lót cho nhân viên hải quan. Việc lo lót diễn ra công khai, với số tiền đã được qui ước “ngầm” giữa đội ngũ lo lót và nhân viên hải quan.

Ngay sau khi vụ việc được đưa lên công luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Cục Hải quan Hải Phòng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 công chức  có liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Cũng trong thời điểm này, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa tuyên phạt Nguyễn Trường Duy, cựu công chức Đội kiểm soát hải quan - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh 12 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Duy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, có hành vi đe dọa doanh nghiệp để nhận hối lộ số tiền gần 542 triệu đồng.

Nguyễn Trường Duy ép doanh nghiệp đưa hối lộ làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Hải quan.

Tuy nhiên, dư luận đặt dấu hỏi, sau mỗi lần phát hiện có tiêu cực, xử lý nghiêm minh, thì tình trạng tiêu cực trong ngành Hải quan vẫn còn tiếp diễn, phải chăng, có sự dung túng cho hành vi vi phạm?

Thực tế, để phòng chống tiêu cực trong ngành, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ công chức, kiên quyết đưa ra khỏi ngành các công chức thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật.

Ngành còn cho lắp đặt các camera để theo dõi hoạt động của cán bộ công chức khi giao tiếp với người dân và doanh nghiệp…

Song, như ý kiến của ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, thì tiêu cực trong lĩnh vực hải quan không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà lại có chiều hướng tiêu cực theo số đông. Vì vậy, không thể chỉ một vài nhân viên bị đình chỉ, xử lý kỷ luật theo kiểu “thí tốt” là xong được.

Chúng tôi đồng ý với ý kiến của ông Cuông. Mọi qui trình kiểm tra, thanh tra; mọi “con mắt” của camera giám sát đều trở nên vô hiệu khi có sự thỏa hiệp tham nhũng, ăn chia trong nội bộ đơn vị. Như vụ việc  tiêu cực bị phát hiện ở Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Mức độ tiêu cực được báo chí phản ánh là đa số những người đến giao dịch đều chuẩn bị tiền “bôi trơn” nhét cùng hồ sơ thì rõ ràng đã có sự thỏa hiệp, thống nhất trong nội bộ. Như vậy, thì người đứng đầu đơn vị không thể không biết. Phải chăng có sự “chung chi”, “giao chỉ tiêu” từ cán bộ công chức lên lãnh đạo bộ phận, từ bộ phận lên lãnh đạo đơn vị, và việc “chung chi” này dừng lại ở cấp nào? Vấn đề này cần phải được điều tra, làm rõ để bóc gỡ tận gốc tiêu cực.

Việc xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận, đơn vị, thậm chí là cấp cao hơn không chỉ ở lực lượng Hải quan mà cần áp dụng với mọi cơ quan công quyền khi phát hiện có tiêu cực, tham nhũng, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp trong nội bộ ngành mình, đơn vị mình.

Đào Minh Khoa
.
.
.