Xoá bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm, đấu tranh mạnh với tín dụng đen, ma tuý
- Bộ trưởng Tô Lâm tiếp xúc cử tri xã Lãng Ngâm, Gia Bình, Bắc Ninh
- Bộ Công an gặp mặt các đại biểu Quốc hội trong CAND
- Ngày làm việc đầu tiên sôi động và hiệu quả của kì họp thứ tám Quốc hội khóa XIV
Chiều 22-10, thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký hộ khẩu cho dân di cư, Bộ Công an đang tích cực giải quyết các vấn đề, từ xác định chỗ ở, quyền sử dụng đất để tiến hành đăng ký hộ khẩu cho người dân thay đổi chỗ ở, đặc biệt là số đồng bào từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên.
“Theo Hiến pháp thì người dân có quyền được cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, có chỗ ở hợp pháp thì được đăng ký hộ khẩu. Tuy nhiên, việc xác định chỗ ở hợp pháp đối với số đồng bào từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên là rất khó khăn vì nhiều trường hợp bà con phá rừng, sử dụng đất lâm trường... để cư trú. Nếu đăng ký hộ khẩu cho họ thì có hợp pháp đất đó hay không, trong khi nhiều người đã ở Tây Nguyên mấy chục năm cũng không phải là chủ được quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, đây là vấn đề lớn, Bộ Công an đang tích cực giải quyết” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2 mà Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đây là vấn đề nhiều đại biểu và cử tri quan tâm; đồng thời cho biết Bộ Công an đã có báo cáo về tội phạm môi trường. Lấy ví dụ về sự ô nhiễm ở Công trình đại Thuỷ nông Bắc Hưng Hải – công trình do Đảng và Chính phủ nghiên cứu xây dựng, Bác Hồ đến thăm, chỉ đạo. “Hiện nay, công trình này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không có tôm cá, tàu thuyền không đi lại được, người dân đổ rác, chất thải xuống. Chính vì vậy, cần bơm nước từ sông Hồng vào để tạo thành dòng sông sống như trước đây. Tuy nhiên, việc này cũng phải gỡ từng bước một. Các khu vực ô nhiễm khác cũng vậy”.
Nói về “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quan hệ vay – cho vay là quan hệ dân sự giữa người dân nhưng ranh giới giữa dân sự và hình sự rất gần. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để cho vay lãi nặng, xiết nợ nên “tín dụng đen” là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm khác.
“Theo đề nghị của Bộ Công an, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12 để chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Bộ cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an các địa phương đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, ngăn ngừa các hệ luỵ do “tín dụng đen” gây ra” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay đáp ứng nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân để người dân không phải tìm đến “tín dụng đen”; đồng thời tích cực huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.
Bộ trưởng Tô Lâm lấy ví dụ một số địa phương mặc dù nguồn thu ngân sách thấp nhưng tiền nhàn rỗi trong dân rất nhiều; đề nghị cần tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và huy động tiền nhàn rỗi trong dân vừa ngăn ngừa tình trạng người dân có tiền nhưng không quản lý được sinh ra cờ bạc, tệ nạn xã hội, tín dụng đen và các tội phạm khác vừa giúp người dân phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận |
Một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm đó là tội phạm ma tuý. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an xác định ma tuý là tội phạm của các loại tội phạm, từ ma tuý sinh ra cướp của giết người và nhiều loại tội phạm nên tập trung lực lượng để đấu tranh. “Chúng tôi chỉ đạo các lực lượng tập trung xử lý các đầu nậu, các đường dây buôn bán ma tuý lớn, bắt giữ bằng được các đối tượng cầm đầu. Để công tác này có hiệu quả hơn, đề nghị Quốc hội cho sửa Luật phòng chống ma tuý cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay” – Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị.
Về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đang triển khai Công an chính quy xuống xã. “Việc này không tăng biên chế trong lực lượng Công an mà chúng tôi sắp xếp lại tổ chức. Theo đó, sẽ giảm biên chế ở Bộ xuống còn 15% CBCS, 85% sẽ công tác tại các địa phương. Trong số 85% biên chế ở các tỉnh thì chỉ bố trí 40% làm việc tại các phòng, ban cấp tỉnh; 30% huyện ở huyện và 30% ở dưới xã” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đồng thời nhấn mạnh, đổi mới cơ bản là không chờ tin báo tố giác tội phạm mà chủ động ngăn ngừa, xoá bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm, không để tội phạm xảy ra. Mục tiêu năm kéo giảm 3-5% tội phạm. “Lần đầu tiên chúng tôi đăng ký chỉ tiêu này, qua kết quả công tác 9 tháng đầu năm thì nhiều khả năng đạt được. Nếu giảm được tội phạm sẽ giảm cả biên chế lực lượng Công an, dành ngân sách để làm những việc khác.
Nói về nhiệm vụ Công an xã, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi công an chính quy xuống xã là phải gần dân, chủ động nắm, giải quyết các mâu thuẫn từ cơ sở, khi mới xảy ra. “Công an chính quy xuống xã chủ yếu tập trung đấu tranh với tội phạm hình sự, chính vì vậy phải phải bám vào dân để phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm gây nhức nhối ở nông thôn như cờ bạc, ma tuý, trộm cắp”.