Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển
- Không ngừng vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào
- Trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giữa Việt Nam - Lào
- Bế mạc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào
- Phát huy những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào – Campuchia
Tại Hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ở Hà Nội chiều 19-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và 10 tỉnh biên giới đã cùng đánh giá quá trình thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, đồng thời quán triệt việc triển khai các văn kiện liên quan nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem lại tư liệu về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cho biết, khu vực biên giới Việt Nam - Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể thực hiện kế hoạch công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào, từ năm 2008 đến nay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và với phía Lào hoàn thành thắng lợi toàn bộ Kế hoạch tổng thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Ngày 16-3-2016, tại Hà Nội, hai bên đã tổ chức thành công lễ tổng kết song phương hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước; ký hai văn kiện quan trọng (có hiệu lực từ ngày 5-9-2017) gồm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào góp phần quan trọng hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam-Lào cả về pháp lý và thực hiện, khẳng định việc kết thúc toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ với nước bạn Lào anh em.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Từ nay, hai nước chúng ta đã có một đường biên giới rất rõ ràng, chính xác và vĩnh viễn, được ghi nhận chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đình kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa.
Thành quả này không chỉ tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch; góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới".
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. |
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra các nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới.
Đó là: quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, chăm lo đời sống người dân vùng biên giới, phối hợp chặt chẽ với Lào tổ chức thực hiện có hiệu quả về Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào, thực hiện công tác kè gia cố, sửa chữa, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, kịp thời ngăn chặn mọi hành động xâm phạm đường biên giới, mốc giới.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào trong hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch vùng biên giới, đẩy mạnh hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của các văn bản pháp lý biên giới Việt-Lào đã ký kết và xem xét những kiến nghị cụ thể được Bộ Ngoại giao và các đại biểu nêu trong Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội nghị. |
Cũng nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức công bố Quyết định và trao tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Ngày 18-7-1977, Việt Nam và Lào đã kết thúc đàm phán và ký kết "Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào”, tạo cơ sở về mặt chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Trong giai đoạn 1978 - 1987, hai bên đã tổ chức và hoàn thành cơ bản công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên thực địa, giải quyết xong các vấn đề phát sinh liên quan đến việc giải quyết biên giới giữa hai nước. Từ năm 1987 đến nay, đồng thời với việc phối hợp tổ chức quản lý, bảo vệ và xây dựng đường biên giới chung, hai bên đã hoàn thành việc lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50 000 bằng công nghệ kỹ thuật số; giải quyết toàn bộ các sai lệch về đường biên, mốc giới và các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây; phối hợp với Trung Quốc cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc; phối hợp với Campuchia cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ năm 2008 đến năm 2016, hai nước phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào nhằm nâng cao, hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý. Hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào. |