Việt Nam với 19 năm gia nhập APEC

Thứ Tư, 01/11/2017, 08:54
Quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là mối quan hệ hai chiều bền vững. Bên cạnh những đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam cho diễn đàn quan trọng này, APEC – với những nền kinh tế hàng đầu thế giới – đã và đang mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực.


Những đóng góp không ngừng nghỉ

Được thành lập từ năm 1989 với 12 nền kinh tế thành viên, APEC đến nay đã có 21 thành viên gia nhập, đại diện cho 2,8 tỷ người, 57% tổng sản phẩm thế giới và gần 50% giá trị thương mại toàn cầu.

APEC ra đời nhằm thúc phát triển kinh tế, tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các thành viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo sự thịnh vượng cho các nền kinh tế thành viên bằng cách đề cao sự phát triển trong bình đẳng, đổi mới, ổn định và sáng tạo.

Tháng 11-1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong 19 năm tham gia diễn đàn kinh tế hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào hợp tác trong APEC, khẳng định được vai trò tích cực của mình thông qua thúc đẩy hoạt động của APEC theo 3 trụ cột chính của diễn đàn là tự do thương mại, đầu tư; thuận lợi hóa thương mại và hợp tác kinh tế - kỹ thuật bằng những sáng kiến mới cũng như hỗ trợ sáng kiến của các thành viên khác.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng trong vài ngày tới.

Trong đó, nổi bật lên là việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 cùng hơn 100 hoạt động liên quan, cũng như đảm nhận vai trò Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhiệm kỳ 2005-2006. Những kết quả đạt được trong năm 2006 về liên kết khu vực, cải cách hoạt động APEC mang ý nghĩa tích cực nhằm tăng cường hợp tác năng động trong APEC, cũng như tiến tới triển vọng dài hạn về hướng thành lập FTAAP (Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương).

Năm 2014, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội. Tới năm 2016, Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đặc biệt đã tham gia xây dựng những định hướng hợp tác dài hạn, thể hiện sự “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Cũng trong thời gian này, nước ta đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số ủy ban và nhóm công tác quan trọng trong APEC, tổ chức thành công cuộc họp của Nhóm công tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hội thảo chuyên ngành về chuỗi cung ứng, năng lượng, an ninh lương thực. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ trì hoặc đồng chủ trì nhiều dự án về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng phó thảm họa thiên tai, đô thị hóa tự cường, du lịch bền vững, và kết nối chuỗi cung ứng,…

Thông qua các hoạt động nêu trên, quan hệ của Việt Nam với các thành viên APEC, trong đó có bạn bè ASEAN, ngày càng đi vào chiều sâu.

Trong gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang cùng các nền kinh tế thành viên tìm ra những phương hướng giải quyết một cách tối ưu các vấn đề nổi cộm của thế giới, như: đẩy mạnh vòng đàm phán Doha; giải quyết khủng hoảng tài chính khu vực; đối phó với tình trạng khẩn cấp về lương thực; chống khủng bố… Việt Nam cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác trong các cơ chế hợp tác của APEC.

Lợi ích kinh tế thiết thực

Có thể nói, quan hệ giữa Việt Nam và APEC là mối quan hệ hai chiều. Bên cạnh những đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam cho diễn đàn kinh tế lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, APEC - với những nền kinh tế hàng đầu thế giới - đã và đang mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC là diễn đàn đã nâng cao “sức mạnh mềm” của Việt Nam và đem lại cho chúng ta những lợi ích kinh tế đáng kể.

APEC là một diễn đàn quy tụ đông đảo đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 60% giá trị xuất khẩu và khoảng 80% giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư của Việt Nam với các đối tác thương mại trong khu vực.

Bên cạnh đó, các hội nghị được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ APEC là dịp quan trọng cho Việt Nam tiếp xúc song phương ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các nền kinh tế trong khu vực, trong đó gồm các đối tác hàng đầu. Sự phối hợp, chia sẻ quan điểm trong APEC cũng là một nhân tố thúc đẩy sự hiểu biết, tạo dựng niềm tin và thiện cảm giữa các nền kinh tế với nhau.

Từ góc độ kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Bogor tới năm 2020 của APEC và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của APEC cùng nỗ lực của Việt Nam nhằm hoàn tất các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do của ASEAN sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam. Đó là tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các địa phương và doanh nghiệp, các đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của thể chế và chính sách, APEC chính là “giao lộ” giúp họ tương tác với các nhà hoạch định chính sách APEC cũng như các đối tác kinh doanh lớn từ các nền kinh tế thành viên.

Sự tương tác này là tiền đề của các chính sách, chương trình của APEC và điều đó sẽ tác động ngược lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo chiều hướng tích cực. Có thể khẳng định, doanh nghiệp và người dân Việt Nam chính là những cộng đồng được thụ hưởng nhiều lợi ích nhất từ các hoạt động của APEC.

Huyền Chi – Thiện Nhân
.
.
.