Phản đối việc tái diễn hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam của nhóm tàu Trung Quốc
- Cộng đồng quốc tế lên tiếng về vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông
- Ngăn chặn các hành vi đơn phương, vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông
- Thế giới phản ứng trước những hành động đơn phương trên Biển Đông
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các diễn biến mới nhất tại tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam thì nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và ở khu vực, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ các tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu vi phạm ra khỏi vùng biển của Việt Nam. |
Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam trong đó có các hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
"UNCLOS 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá giới hạn về mặt địa lý và nội dung trong UNCLOS 1982. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Việt Nam cũng khẳng định lập trường của mình đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", bà Hằng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, như việc thể hiện trong UNCLOS 1982. Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm và quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực".
Người phát ngôn lưu ý rằng, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, là lợi ích, là trách nhiệm, là nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Bà Hằng tái khẳng định: "Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hoà bình, ổn định, hợp tác và sự phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới".
Đề cập tới tàu cẩu Lam Kình hôm 3-9 đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách Quảng Ngãi 90 km, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin, từ ngày 3-9 đến 4-9 vừa qua, tàu Lam Kình của Trung Quốc đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.