Ngăn chặn các hành vi đơn phương, vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ Sáu, 30/08/2019, 06:12
Trung Quốc sẽ phải dừng ngay các hành vi đơn phương trên Biển Đông và vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia láng giềng. Thông điệp này vừa được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 28-8.


Nỗi lo tổn hại môi trường an ninh

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 28-8, EU bày tỏ lo ngại sâu sắc về các hành động đơn phương vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông. Lặp lại cảnh báo từ Mỹ đối với vấn đề này, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho hay, EU có liên quan đến việc giải quyết những gia tăng căng thẳng trên khu vực Biển Đông hiện nay.

Tờ Euractiv viết: "Trung Quốc đang bị cáo buộc triển khai  bị buộc tội triển khai tàu chiến, vũ trang các tiền đồn và đâm vào các tàu đánh cá trong vùng biển giàu tài nguyên, gây ra sự tức giận đối với các quốc gia láng giềng" và dẫn lời bà Federica Mogherini nói: "Chúng tôi tin rằng sự căng thẳng này, việc quân sự hóa này, chắc chắn không có lợi cho một môi trường hòa bình".

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Weibo

Tuyên bố mới nhất của EU cũng nêu rõ: "Những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bình yên phát triển kinh tế của khu vực".

EU nhấn mạnh, điều quan trọng là tất cả các bên trong khu vực tự kiềm chế, có những bước đi vững chắc hướng tới khôi phục nguyên trạng trước đây, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tuyên bố cho rằng, các bên liên quan có thể tìm kiếm hỗ trợ từ bên thứ ba, để hòa giải hoặc làm trọng tài phân xử, giúp thuận lợi hóa việc giải quyết khiếu nại của mỗi bên.

Trước đó, Nhật Bản, Australia và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ những quan ngại trong vấn đề Biển Đông. Giới chức Mỹ thậm chí còn lên tiếng cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc khi hai lần điều tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi hạ tuần tháng 8 tại Hà Nội, Elbridge Colby, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ, Trung Quốc tuy là một cường quốc, nhưng những hành động liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế của nước này khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Elbridge Colby nhận định: “Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS nhưng Trung Quốc lại không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Như vậy rõ ràng đối với người Trung Quốc, điều họ quan tâm ở đây không phải là luật pháp quốc tế mà là tham vọng củng cố sức mạnh, quyền lực”.

Và sự thúc đẩy xây dựng COC

Thực tế, Mỹ từ lâu đã không chấp nhận việc Trung Quốc tìm cách lấn lướt ở khu vực. Vì vậy, với sự gia tăng hành động đơn phương của Trung Quốc trên tuyến đường biển huyết mạch, tác động mạnh đến giao thương và an ninh hàng hải, Mỹ đã có thay đổi thay đổi về mặt chính sách, đưa ra đường hướng kiên quyết hơn trong vấn đề này.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington là củng cố quan hệ liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vì thế lần này, vừa đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, Mỹ vừa điều thêm tàu thuyền tới Biển Đông.

Theo người phát ngôn Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen, hôm 28-8, tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông với lý do bảo vệ quyền tiếp cận những vùng nước được luật quốc tế cho phép.

"Sự can thiệp mang tính cưỡng ép của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như những hành động liên tục của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn, nhỏ được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận", hãng Rappler bình luận.

Cũng theo phân tích cũng hãng này, Trung Quốc ngày càng làm mất lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế. Các hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các bên có yêu sách trong ASEAN là không thể chấp nhận được.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, ngoài sự kiện tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống, Trung Quốc còn điều hai tàu khảo sát của là Zhanjian và Dong Fang Hong 3 hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, đưa 5 tàu chiến bí mật đi vào vùng biển của Philippines thông qua eo biển Sibutu và quấy rối các tàu thăm dò dầu và khí đốt của Malaysia...

Hôm 9-8, như một lời cảnh báo tới Bắc Kinh, Philippines đã trao công hàm ngoại giao phản đối còn Malaysia phô trương sức mạnh quân sự khi phóng thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông. Tiếp đó, hôm 27-8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định, lực lượng hải quân nước này đang chuẩn bị một bộ quy tắc mới để xử lý các tàu nước ngoài đi vào vùng biển Philippines mà không được cho phép.

Ông Delfin Lorenzana còn tiết lộ, quy trình vận hành bộ quy tắc mới sẽ xác định các bước để đối phó với sự xâm phạm trái phép của các tàu nước ngoài vào phần lãnh thổ của Philippines, dựa trên chỉ thị của Tổng thống Duterte.

Dẫn tuyên bố của Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio, tờ Philippine Daily Inquirer cho rằng, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử của nước này là "sự lừa dối nhân loại" và trách nhiệm của người dân tại những quốc gia ASEAN là truyền bá sự thật, vạch trần những thông tin sai lệch, giả tạo của Trung Quốc về Biển Đông.

Và rằng muốn xây dựng đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề này, ASEAN cần phải đoàn kết dẫn dắt để thúc đẩy trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, đẩy mạnh hợp tác đa phương; sớm cho ra Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý, bền vững và có hiệu quả, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Được biết, tại hội thảo “Các thách thức và cơ hội đang nổi lên ở ASEAN”, Tiến sỹ Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN cũng khẳng định các nước ASEAN hiểu rõ những thách thức đang xảy ra trên thế giới và các tác động của chúng, trong đó có vấn đề Biển Đông.

"ASEAN coi việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông rất quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực. Ban Thư ký ASEAN đang cố gắng đảm bảo rằng mọi vấn đề liên quan tới an ninh và chính trị sẽ được thảo luận, và tất cả các nước đều cần hiểu rõ vấn đề", Phó Tổng thư ký ASEAN Aladdin D. Rillo nói.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.