Thế giới phản ứng trước những hành động đơn phương trên Biển Đông

Thứ Tư, 28/08/2019, 08:13
Trong những ngày gần đây, Mỹ đã liên tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông. Trong khi đó, giới học giả Philippines thì cho rằng, với những hành động đó, Trung Quốc đang tìm cách dọa dẫm các quốc gia Đông Nam Á để buộc họ phải chấp nhận việc khai thác dầu khí ở Biển Đông theo những yêu cầu từ Trung Quốc.


Vi phạm trật tự quốc tế…

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26-8 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về “sự can thiệp mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như những hành động liên tục của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, Trung Quốc gần đây lại tiếp tục can thiệp các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông và điều này mâu thuẫn trực tiếp với những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ “đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang có những hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh: Schottel

Tuyên bố cho biết, các hành động của Trung Quốc trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn, nhỏ được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận. Theo tuyên bố, Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì chiến thuật “bắt nạt”.

Các hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các bên có yêu sách trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc xây dựng các hệ thống quân sự tấn công và thực thi yêu sách hàng hải bất hợp pháp làm gia tăng nghi ngờ về uy tín của Trung Quốc.

Trước đó, hôm 22-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc đã đặt dấu hỏi về những cam kết của Bắc Kinh liên quan đến các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò thuộc sở hữu của chính phủ cùng các tàu hộ tống có vũ trang tại vùng biển Việt Nam vào ngày 13-8 vừa qua là “hành động leo thang từ phía Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm đe dọa các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền đang khai thác những nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các bước gây hấn để can thiệp vào những hoạt động kinh tế đã diễn ra lâu dài của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhằm một mặt ép các nước này từ bỏ hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và mặt khác chỉ hợp tác với những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Cụ thể, trong trường hợp tại bãi Tư Chính, Trung Quốc đang gây sức ép với Việt Nam về việc hợp tác với một công ty năng lượng của Nga và các đối tác quốc tế khác”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: “Các hành động đó của Trung Quốc cản trở hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn quyền của các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính trị giá 2.500 tỷ USD chưa được khai thác.

Các hành động này cũng cho thấy Trung Quốc phớt lờ quyền của các quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình được quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Các công ty của Mỹ dẫn đầu thế giới về thăm dò và khai thác dầu khí, bao gồm cả ngoài khơi và ở Biển Đông, do đó, Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa, hoặc ép buộc các nước đối tác từ chối hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc, hay nói cách khác là quấy rối các hoạt động hợp tác của họ.

Mỹ cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đảm bảo rằng hoạt động sản xuất dầu khí của khu vực không bị gián đoạn để cung ứng cho thị trường toàn cầu”.

… và dọa dẫm các quốc gia Đông Nam Á

PGS. Jay Batongbacal, Đại học Philippines, Giám đốc Học viện Hàng Hải và Luật Biển chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tìm cách dọa dẫm các quốc gia Đông Nam Á để buộc họ phải chấp nhận việc khai thác dầu khí ở Biển Đông theo những yêu cầu từ Trung Quốc.

Trung Quốc đang muốn thể hiện rằng, họ có thể đơn phương làm như vậy. Bằng cách can thiệp vào các hoạt động của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc hy vọng có thể ép các nước này hoặc phải chấp nhận chỉ hợp tác với Trung Quốc hoặc phải đối mặt với hành động khai thác dầu khí đơn phương của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa của các nước này.

Giải thích cho nhận định rằng, Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam là một hành động “giương Đông kích Tây” nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng trái phép một số thực thể ngầm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông chỉ ra rằng: “Trung Quốc đã từng triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam trùng với thời điểm nước này bắt đầu hoạt động cải tạo trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong khi cả thế giới tập trung theo sát diễn biến này, họ đã không để mắt đến hoạt động cải tạo quy mô cực lớn của Trung Quốc”.

Vị chuyên gia khẳng định, phán quyết tháng 7-2016 của Tòa Trọng tài (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã đưa ra những lý lẽ cụ thể và rõ ràng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có quyền thiết lập Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa từ đường cơ sở của mình bao quanh bãi Tư Chính và khu vực này hoàn toàn không cắt qua hoặc chồng lấn với Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa của Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử của nước này là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”, đồng thời khẳng định yêu sách này sẽ không bao giờ được thông qua.

Ông kêu gọi người dân Philippines và người dân tại những quốc gia khác ở Đông Nam Á truyền bá sự thật và vạch trần những thông tin sai lệch, giả tạo của Trung Quốc về Biển Đông. Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines lưu ý, Trung Quốc khẳng định họ đã thiết lập sự hiện diện ở Biển Đông cách đây 2.000 năm, trước cả thời điểm các quốc gia khác đưa ra tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

Nhưng theo UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc là bên tham gia, tất cả các quyền lịch sử đều không có giá trị. “Người dân Trung Quốc đã được tuyên truyền một câu chuyện khác do chính phủ của họ dựng nên, do vậy họ coi việc xâm phạm vùng lãnh hải của quốc gia khác như một hành động thực thi quyền lịch sử”, ông Antonio Carpio nhấn mạnh.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.