Vì sao giải ngân đầu tư công chậm?
- Đầu tư công rồi “bán” dự án để lấy tiền đầu tư tiếp cao tốc Bắc – Nam?
- Thay thế cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công
- Rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân đầu tư công chậm do 5 nhóm nguyên nhân
Phát biểu mở màn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Việc tổ chức phiên làm việc này nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội về việc tăng giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban. Phiên giải trình này cũng nhằm tìm ra nguyên nhân cốt lõi của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, tìm ra hướng trong giai đoạn tới.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong 9 tháng đầu năm 2016 và 9 tháng năm 2017 chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tập trung vào 5 nhóm chủ yếu: quy định trình tự, thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; thủ tục đầu tư xây dựng sau khi giao kế hoạch còn mất nhiều thời gian; thủ tục thanh quyết toán vốn có nhiều đặc thù; công tác giải phóng mặt bằng và năng lực quản lý; thời tiết mưa nhiều, bão lũ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Tuy nhiên, Bộ này cho rằng: những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công chỉ là một phần nguyên nhân và chỉ tác động đến những khâu trước khi giao kế hoạch vốn đầu tư công. Điều này cơ bản sẽ được tháo gỡ khi Luật đi vào cuộc sống và các đối tượng liên quan làm quen dần với những trình tự, thủ tục mới. Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng: Luật Đầu tư công là luật mới, ban hành lần đầu tiên, lại liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, nên không tránh khỏi còn vướng mắc, có những cách hiểu, cách làm khác nhau.
Phiên giải trình có sự tham gia của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 8 năm 2014. Tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn NSNN được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1,120 triệu tỷ đồng (vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng; vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng). Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 880 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số vốn 2 triệu tỷ đồng, tại Nghị quyết số 26/2016/QH14, Quốc hội đã yêu cầu bố trí vốn cho một số khoản mục lớn như sau: Dự phòng chung 10%, tương đương 200 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương phải dành 10% tổng mức vốn được phân bổ để xử lý những vấn đề phát sinh thuộc phạm vi thẩm quyền.
Bố trí 72,817 nghìn tỷ đồng để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia; 5 nghìn tỷ đồng (vốn TPCP) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; 80 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch là hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
Số vốn còn lại chưa giao 194 nghìn tỷ đồng, bằng 10,7% tổng mức kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó: 182 nghìn tỷ đồng khi phân bổ tiếp phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện; 12 nghìn tỷ đồng của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, được Chính phủ cho phép hoàn thiện đến ngày 30/9/2017.
Thiếu vốn cho nhiều dự án cấp bách, trọng điểm
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: Đã khắc phục được tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc từng năm và chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm; tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm. Phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công cũng được cho là “đã đổi mới căn bản”, theo đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng quyền chủ động, tự chủ của các cấp, các ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Đổi mới căn bản trong việc phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương, đã rất tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trước đây và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Giải quyết dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương và thu hồi cơ bản số vốn ứng trước kế hoạch.
Bên cạnh đó, về “tồn tại, hạn chế”, Bộ này đánh giá: Khả năng cân đối nguồn vốn NSNN cho đầu tư phát triển còn rất thấp so với nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương; chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi NSNN, thấp hơn so với giai đoạn trước. Kế hoạch 2016-2020 chỉ đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu vốn đầu tư từ NSTW dành cho 21 chương trình mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2016.
Hạn chế dư địa chính sách để thực hiện các mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, khuyến khích sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo... Nhiều dự án cấp bách, trọng điểm của nền kinh tế chưa có khả năng cân đối được vốn trong kế hoạch để thực hiện.
Cơ chế chính sách thu hút vốn của khu vực tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ công theo các hình thức PPP và xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm hạn chế hiệu quả đầu tư các hình thức này. Việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư có lúc, có nơi còn chưa được nghiêm túc, kế hoạch vốn của một số đơn vị vẫn bị phân tán, dàn trải, làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật cũng như giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.