UNESCO công bố cẩm nang về tin giả và tin xuyên tạc dành cho báo chí
- Sử dụng ứng dụng phần mềm công nghệ số: Xu hướng mới của nghệ sĩ Việt
- Tôn vinh những giải pháp hàng đầu về công nghệ số tại Việt Nam.
- Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
Cuốn sách "Tin giả và tin xuyên tạc: Sổ tay dành cho báo chí". |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-3, UNESCO đã chính thức giới thiệu cuốn cẩm nang mới dành cho báo chí có tên "Tin giả và tin xuyên tạc: Sổ tay dành cho báo chí".
Với độ dài gần 130 trang, cuốn cẩm nang do UNESCO phát hành được chia làm 7 phần với các nội dung liên quan tới vấn nạn tin giả, tin xuyên tạc và cách thức kiểm chứng nguồn tin, phòng chống lạm dụng nguồn tin.
Mở đầu bằng câu hỏi: "Là thế nào khi nhà báo và nguồn tin của họ bị tấn công?", cuốn cẩm nang được thiết kế để cung cấp cho các nhà giáo dục, các sinh viên báo chí một mô hình và các bài học giúp xử lý các vấn đề liên quan tới "tin giả" đang nổi lên trên toàn cầu gây thách thức cho xã hội nói chung và ngành báo chí nói riêng.
Phát biểu trước báo chí, ông Micheal Croft, Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, cuốn sổ tay đúc kết tri thức của các nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng báo chí quốc tế hàng đầu, những người đang góp phần cập nhật phương pháp và thực hành báo chí để đối phó với những thách thức bắt nguồn từ tin tức sai lệch và xuyên tạc.
Được đánh giá như một "giáo trình", cuốn sổ tay sẽ giúp người đọc nhận rõ sự khác biệt giữa các nguồn tin gây rối loạn; từ đó phân tích sự "lây lan" của những loại tin gây nguy hại này. Đồng thời, cuốn cẩm nang sẽ giúp các nhà báo nhận biết thông tin và kiểm chứng thông tin truyền thông, qua đó phòng chống nguồn tin xuyên tạc, tin sai; giúp bảo vệ chính mình trước sự tấn công của các nguồn tin không chuẩn xác.