Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Chủ Nhật, 15/11/2015, 08:16
Thay mặt Chính phủ, Bộ Công an đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30 (2012) của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đến nay, liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

5 năm qua, dù tình hình đất nước và khu vực có nhiều biến động tiêu cực, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đã được giữ vững. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm vượt chỉ tiêu hơn 5% so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, đã cho thấy những nỗ lực của lực lượng Công an trong công tác này.

Qua tổng kết 5 năm cho thấy, về công tác phòng ngừa, lực lượng Công an đã tăng cường nắm diễn biến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; lập hàng chục nghìn hồ sơ đưa đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhất là số đối tượng nghiện ma tuý, mại dâm, cờ bạc, có tiền án, tiền sự; tập trung rà soát, đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm hoạt động đâm thuê, chém mướn, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá…

Nhân rộng mô hình phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Đội săn bắt cướp… nhằm trấn áp kịp thời các đối tượng tội phạm hoạt động lưu động, sử dụng vũ khí để cướp, chống người thi hành công vụ…

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã liên tiếp mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo tuyến, địa bàn, loại tội phạm nổi lên… đạt hiệu quả cao, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật, đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư… Từ đó, huy động tốt hơn sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Từ tháng 6/2012 đến nay, lực lượng Công an đã điều tra khám phá 150.395 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 288.214 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,5%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao cho là 70%; triệt phá 8.657 băng, nhóm tội phạm các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 33.854 đối tượng truy nã, trong đó có 7.841 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu trao đổi bên lề Quốc hội.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam. Đã phát hiện, bắt giữ 60.463 vụ, 92.868 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ 2.861,617kg heroin, 1.081,842kg ma tuý tổng hợp, 1.693.579 viên ma tuý tổng hợp.

Dự báo về tình hình sắp tới, Bộ Công an cho rằng tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, những vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là di cư trái phép, an ninh mạng, an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong tình hình mới, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật Nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có những giải pháp hữu hiệu. Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, tính chất, mức độ nghiêm trọng của các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm giết người, sử dụng vũ khí “nóng”, sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma tuý… có xu hướng gia tăng.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh những văn bản quy định về quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tăng cường giám sát đối với hoạt động của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các văn bản liên quan đến lĩnh vực này. Tăng ngân sách để đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Phát hiện, xử lý 1.145 vụ phạm tội về tham nhũng

Đối với loại tội phạm gây bức xúc rất lớn trong xã hội là tội phạm tham nhũng, lực lượng Công an cũng đã tập trung nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, nhất là trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Trong nhiệm kỳ, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 46.170 vụ, 44.572 đối tượng phạm tội về kinh tế; 1.145 vụ, 1.930 đối tượng phạm tội về tham nhũng, trong đó có nhiều vụ tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như gây thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng; vụ Công ty dệt kim Đông Phương thuộc Vinatex và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh 6 TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại 1.600 tỷ đồng; vụ Công ty Thái Sơn gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng; vụ Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng nhà đất Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư vào dự án nhà chung cư, biệt thự B5 Cầu Diễn; vụ Hà Văn Thắm và 3 lãnh đạo khác của Ngân hàng Đại Dương cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 5.000 tỷ đồng…

Qua những vụ việc này đã kịp thời chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế và ngân sách, bình ổn giá cả thị trường, thực hiện hiệu quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế.

Nam Phương
.
.
.