Kiềm chế tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra án

Thứ Bảy, 06/11/2010, 10:14
Ngày 5/11, Quốc hội nghe báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Diễn biến tội phạm còn phức tạp

Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, thời gian qua nhiều loại tội phạm được kiềm chế, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng cao, nhất là điều tra trọng án. Tuy nhiên, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như bạo lực học đường, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán và sử dụng vũ khí, tội phạm đưa và nhận hối lộ… Lực lượng Công an các cấp mở nhiều đợt tấn công truy quét các loại tội phạm, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng, làm giảm nhiều loại tội phạm. Đã điều tra, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, được xã hội quan tâm.

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kinh tế - xã hội, thiếu việc làm... nhiều loại tội phạm mới nẩy sinh, diễn biến phức tạp như tội phạm có yếu tố nước ngoài, xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… Những hành vi phạm tội do tác động của phim ảnh, văn hoá phẩm độc hại có nguyên nhân do công tác phối hợp giữa gia đình và xã hội còn nhiều bất cập. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an còn thiếu về biên chế, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống pháp luật có nhiều sửa đổi nhưng còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, nhất là trong phòng, chống các loại tội phạm mới có yếu tố nước ngoài, công nghệ cao.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, trong thời gian tới, do tác động từ nhiều mặt khách quan và chủ quan, diễn biến tội phạm sẽ còn phức tạp. Một số loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng như: tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, tội phạm về môi trường…

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, trong đó tập trung vào các loại tội phạm về kinh tế, tội phạm môi trường, ma tuý, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Mở rộng các đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm kiểu "xã hội đen", các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp.

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các vụ án trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm. Bộ trưởng cũng cho biết các cơ quan tư pháp đang đề nghị thành lập trung tâm giám định quốc gia, nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh trình bày Báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tăng cường kiểm sát từ giai đoạn khởi tố vụ án

Đánh giá về công tác kiểm sát, Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quốc Vượng cho hay, công tác kiểm sát có nhiều chuyển biến rõ nét. Viện đang tăng cường kiểm sát ngay từ đầu quá trình tố tụng, khởi tố vụ án , khởi tố bị can, hạn chế bỏ lọt tội phạm, án oan sai. Kiểm sát bắt tạm giam, tạm giữ chặt chẽ hơn. Kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt nếu thiếu căn cứ pháp lý. Ngành kiểm sát phối hợp chặt chẽ với CQĐT trong CAND xây dựng thông tư liên tịch, quy chế phối hợp giữa hai ngành, nâng cao chất lượng điều tra án. Chú trọng kiểm sát các bản án để kháng nghị theo thẩm quyền. Công tác kiểm sát giam giữ được nâng cao, trong đó đã kiến nghị nâng cấp các cơ sở giam giữ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 388 của UBTV Quốc hội về bồi thường án oan, sai. Viện đang xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, chú ý giải quyết đơn đề nghị bồi thường.

Đối với công tác tòa án, Chánh án TAND Tối cao Trương Hoà Bình cho rằng, mặc dù số lượng án giảm nhưng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng nghiêm trọng, nhất là các loại tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng vũ khí nóng, công nghệ cao. Công tác xét xử bảo đảm đúng pháp luật, chú trọng tranh tụng tại toà, do đó đã hạn chế oan sai, tỷ lệ án hủy, sửa được hạn chế ở mức thấp nhất. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử nghiêm minh, được sự ủng hộ của dư luận xã hội.

Về công tác thi hành án và đặc xá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá: năm 2010, công tác thi hành án đạt tỷ lệ khá cao, điển hình như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số tiền thi hành án đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, trong đó một số địa phương đạt cao là Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Giang. Cơ quan chức năng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng thi hành án. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cơ quan thi hành án và kho chứa vật chứng phục vụ thi hành án được chú trọng đầu tư xây dựng.

Về thi hành án hình sự, đáng chú ý là công tác giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam được chú trọng. Các trại giam đã đề nghị giảm án cho phạm nhân theo đúng quy định đề ra. Về công tác đặc xá, các trại giam tổ chức tốt việc đặc xá, tạo điều kiện tốt người đặc xá sớm hoà nhập cộng đồng, ngăn ngừa tái phạm. "Đây là điểm mới của đặc xá năm nay. Công an địa phương hướng dẫn người được đặc xá làm hộ khẩu, tham mưu địa phương tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống" - Bộ trưởng cho biết. Hiện, Chính phủ đang soạn thảo Nghị định về việc tái hòa nhập cộng đồng của người được đặc xá, xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp.

Ngại va chạm với người có thẩm quyền

Thẩm tra Ủy ban Tư pháp xác định, một số tồn tại trong công tác tư pháp có nguyên nhân chế tài đưa ra không đủ sức răn đe nhưng chậm sửa đổi, để đối tượng lợi dụng. Nhiều lĩnh vực quy định không chặt chẽ như quản lý kinh tế, môi trường, nhiều nơi thanh, kiểm tra nhiều nhưng không phát hiện được sai phạm, có trường hợp khi dư luận báo chí đưa tin mới được phát hiện, gây bức xúc dư luận. Ủy ban cho rằng, việc điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng còn khó khăn, triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự còn lúng túng, nhiều ngành, địa phương chỉ quan tâm đầu tư kinh tế mà coi nhẹ phòng, chống vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm về môi trường. "Đối với vụ án hành chính, hiện có tâm lý ngại va chạm với người có thẩm quyền ở địa phương nên việc xử lý các vụ án khiếu kiện hành chính hiệu quả không cao" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đánh giá.

Phát hiện ít không hẳn tham nhũng giảm

Những tồn tại trong lĩnh vực tư pháp được đại biểu phát biểu thẳng thắn trong phiên thảo luận buổi chiều. Đại biểu Đặng Văn Xứng (Long An) đồng tình đánh giá của Chính phủ về diễn biến tội phạm tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ những địa phương "ít tham nhũng", cả năm không phát hiện được vụ tham nhũng nào. "Còn bao nhiêu vụ không được phát hiện? Vì sao vụ việc tham nhũng chủ yếu phát hiện ở cấp cơ sở phường, xã còn lên cao lại ít? Vấn đề đặt ra, có lý do gì khiến không phát hiện được tham nhũng?" - đại biểu đề nghị. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng rất ít có nguyên nhân hiệu quả công tác thanh, kiểm tra không cao, điển hình là các vi phạm tại Vinashin. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc đánh giá đúng tình hình phòng, chống tham nhũng để trên cơ sở đó đưa ra biện pháp chính xác.

Nói về hiện tượng đưa và nhận hối lộ, đại biểu Đặng Văn Xướng đề nghị phải chống hiện tượng coi tham nhũng là chuyện bình thường. Đang có hiện tượng coi chuyện đưa hối lộ là "lẽ thường" khi cơ quan, cá nhân cần giải quyết công việc tại cơ quan nhà nước và ngược lại, cá nhân nhận hối lộ quen đến mức thiếu là không được. "Tham nhũng rất khó phát hiện, do đó nếu đã phát hiện được phải xử lý nghiêm chứ không thể để án treo quá nhiều như hiện nay".

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) quan ngại: Qua quan sát thực tế và dư luận, kể cả việc đánh giá các tổ chức quốc tế, thì tình hình tham nhũng còn phức tạp. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện ít hơn không có nghĩa tình hình tham nhũng giảm.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết một số nội dung xung quanh việc điều tra, xử lý những vụ án lớn, dư luận quan tâm. Đối với sai phạm ở một số doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết các lực lượng chức năng thuộc An ninh, Cảnh sát theo dõi, phát hiện, điều tra xử lý theo quy định nhưng một mặt phải đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động đúng luật.

Thời gian qua, do những khó khăn khách quan và chủ quan nên một số vụ án tham nhũng, kinh tế có quá trình tố tụng kéo dài, chẳng hạn như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, CQĐT phải cho dịch thuật khối lượng tài liệu rất lớn, quá trình này khiến tiến độ điều tra kéo dài. Đối với những vụ án lớn được khởi tố, điều tra trong thời gian qua, Bộ đang chỉ đạo CQĐT tập trung khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa các vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…

 

Nhóm PV
.
.
.