Từ vụ Formosa, đặt vấn đề việc kiểm soát công nghệ

Thứ Ba, 13/09/2016, 17:58
Dẫn chứng về sự cố xả thải của Formosa (Hà Tĩnh) thời gian gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh vai trò của công nghệ và đặt vấn đề kiểm soát công nghệ, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.


Tiếp tục Phiên họp thứ 3, sáng nay, 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên thảo luận

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, việc sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. 

Từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.  

Nhấn mạnh việc cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đất nước đang đứng trước thách thức công nghệ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. 

Từ vụ việc sự cố xả thải của Fomosa (Hà Tĩnh), Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề liệu có phải do các quy định của luật hay do quản lý của Nhà nước chưa tốt.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tờ trình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cần bao quát, toàn diện hơn; kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và phải phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước. 

Dẫn chứng những vụ việc cụ thể mà gần đây nhất là sự cố xả thải của Formosa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò của công nghệ và đề nghị dự thảo Luật cần tập trung làm rõ một số nội dung như: Việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất; cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đã nêu, qua đó trả lời câu hỏi Luật sửa đổi liệu có khắc phục được việc Việt Nam đang và sẽ trở thành “bãi rác công nghệ”; có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay không? 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của UBTVQH, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV.  

* Chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11) và dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước, cũng như từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương. Đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng cao, hải đảo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người khó khăn.

Tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các Bộ, cơ quan Trung ương trên cơ sở định mức chi quản lý hành chính, gồm chi theo định mức, chi đặc thù. 

Về biên chế hành chính, sẽ khuyến khích các đơn vị thực hiện tinh giản biên chế, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô... Trên cơ sở đó có nguồn để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Toàn cảnh phiên họp

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, có thể thực hiện chính sách khoán chi luôn cho các đơn vị tự xây dựng, tự ý thức tinh giản biên chế cho đơn vị mình. 

Đối với lĩnh vực giáo dục, ông đề xuất phương án, toàn bộ các trường đại học (trừ đại học Sư Phạm) sẽ cắt giảm hết chi phí thường xuyên, vì các trường đã thu học phí rồi nên phải tự chủ. Đối với các đơn vị công sẽ cắt bỏ cấp ngân sách.

Riêng bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định đã có những tính toán rất sát để đảm bảo công bằng cho địa phương. Hay các tỉnh vùng Tây Bắc “thiệt đơn, thiệt kép” từ thủy điện nhỏ, bị hụt thu phải lấy từ dự phòng dự trữ để cân đối ngân sách, tới đây sẽ có cách tính công suất trung bình của các thủy điện chia đều cho hàng năm để đảm bảo công bằng…

Q.Vinh
.
.
.