Truyền thông nước ngoài đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong APEC

Thứ Hai, 06/11/2017, 11:18
“Những sáng kiến của Việt Nam đều được đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao và là yếu tố quan trọng trong Chương trình 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Bằng việc tổ chức APEC 2017, Việt Nam đã không chỉ khẳng định chính sách của mình về tăng cường hội nhập quốc tế và coi trọng châu Á-Thái Bình Dương, mà còn nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược đối với một khu vực ổn định, năng động”.


Đó là những gì mà tờ The Independent của Anh đăng tải trong bài báo mang tên “APEC 2017: Việt Nam đóng góp vào tăng trưởng của khu vực” phát hành ngày 5-11. Bài báo khẳng định, trong vai trò Chủ tịch APEC, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên APEC khác để đề xuất nhiều sáng kiến lớn như thiết lập cơ chế thảo luận về hợp tác lâu dài của APEC.

Những nỗ lực của Việt Nam để đề xuất chủ đề, các ưu tiên và các sáng kiến hợp tác đã đáp ứng được mối quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân APEC; phù hợp với xu thế hợp tác quốc tế chung và đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Đặc biệt, theo tờ The Independent, các sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm kinh tế, xã hội và tài chính khu vực được kỳ vọng kết nối các chương trình hợp tác lâu dài của APEC, cung cấp cho mọi người kết quả của toàn cầu hoá và tự do hóa thương mại.

Chưa hết, tờ The Independent còn dẫn lời của Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam Kamal Malhotra đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, nhấn mạnh rằng tăng trưởng tổng thể là một yếu tố quan trọng trong Chương trình 2030 của LHQ về phát triển bền vững.

Các bài báo trên truyền thông nước ngoài đăng tải về sự chuẩn bị của Việt Nam cho Tuần lễ Cấp cao APEC.

Trong khi đó, tờ Bangkokpost của Thái Lan cho biết, sau hơn 3 thập kỷ cải cách kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này diễn ra tại Việt Nam có tầm quan trọng lớn về mặt kinh tế và chiến lược khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Theo bài viết, Việt Nam sẽ có 4 mục tiêu chính tại hội nghị lần này.

Thứ nhất, trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân túy gia tăng, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC để thúc đẩy tiến trình hợp tác trở nên có hiệu quả và hiệu lực.

Thứ hai, các nỗ lực nhằm giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường tự do hóa đầu tư phải được tiếp tục, trong bối cảnh APEC đang tiến vào thập kỷ thứ 4 của sự phát triển. Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam và sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này cũng đem lại một cơ hội có một không hai đề Đà Nẵng khẳng định thương hiệu của mình.

Tờ Bangkokpost còn nhận định: “Sự thành công của Hội nghị APEC sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines. Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị cho vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, tăng cường vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới vì một cộng đồng ASEAN”.

Nhiều hãng thông tấn khác như PakistanToday của Pakistan, Rai của Italia, Andina, BBC của Anh, CNN của Mỹ, AFP của Pháp, Korean Times của Hàn Quốc… cũng đều có các bài viết nói về sự chuẩn bị và sẵn sàng của Việt Nam cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, trang mạng của Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao Nga đã đăng tải bài viết của Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á-Âu” Georgi Chofimchuk về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới khi lần thứ 2 đăng cai APEC.

Theo tác giả, ngoài APEC, Việt Nam hiện còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Không một tổ chức nào Việt Nam tham gia một cách lấy lệ, mà luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn. Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo.

Cuối bài viết, chuyên gia Georgi Chofimchuk nhấn mạnh với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, dù ở trong khu vực rất phức tạp, Việt Nam vẫn tạo ra sự khác biệt giữa đồng minh và đối tác. Trước kia, Việt Nam được cả thế giới biết đến nhờ lịch sử hào hùng, oanh liệt, còn giờ đây, đất nước đang mở sang trang mới trong tính cách và tài năng của mình - như một đối tác tin cậy và người bạn thủy chung trong các công việc lớn của thế giới.

Huyền Chi – Thiện Nhân
.
.
.