Tốc độ tăng bình quân nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP

Thứ Năm, 20/10/2016, 17:28
Nợ công tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải đánh giá khi trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chiều nay, 20-10, Quốc hội nghe Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban TCNS cho rằng, giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi NSNN, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Do đó nợ công tăng nhanh, bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.

“Nợ công tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn cho phép (50%)”, ông Hải nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Về dự kiến kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 – 2020, ngoài việc duy trì ngưỡng an toàn nợ công/GDP, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP như giai đoạn vừa qua, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.

Đa số ý kiến Uỷ ban TCNS cho rằng, trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 (Nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ so với GDP là 50%, nợ nước ngoài của quốc gia là 50%).

“Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53% song đến năm 2020 nên đưa về mức giới hạn 50%”, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS nêu.

Ông đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định, kịp thời áp dụng các giải pháp để đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu NSNN xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước.

Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu theo đúng quy định của Luật quản lý nợ công.

Quỳnh Vinh
.
.
.