Áp lực nợ công và thâm hụt ngân sách tăng cao

Thứ Bảy, 23/04/2016, 09:45
Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại buổi hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý I, nhằm đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý I; đồng thời, đưa ra phân tích và nhận định của chuyên gia về triển vọng kinh tế vĩ mô quý II và cả năm 2016 được tổ chức ngày 22-4 tại Hà Nội.

Báo cáo kinh tế quý I của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2016 chậm lại; thấp hơn không đáng kể so với quý I/2015, nếu giữ nguyên khai thác dầu thô và khoáng sản khác. Tuy nhiên, về sản xuất nông nghiệp lại là khác biệt của quý I/2015, làm cho nông dân khó khăn hơn.

Cùng với đó là những khó khăn của hoạt động xuất khẩu tăng chậm; nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại; nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước giảm; các mặt hàng gia công chủ yếu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ…

Theo nhận định của CIEM, quý I tăng trưởng thấp, thu ngân sách cao, đây là nghịch lý kinh tế trong quý I của kinh tế Việt Nam. Trong khi thâm hụt lớn hơn chi đầu tư, dư địa cho chính sách tài khoá không còn. Bên cạnh đó, nợ công cao nhất, môi trường kinh doanh kém cạnh tranh.

Cụ thể, những năm gần đây ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020. Cũng do bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định. Theo dự báo, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN. Trong đó, một điểm đáng lưu ý trong điều hành NSNN của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên, đây cũng là một điều đáng lo ngại.

CIEM cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác điều hành NSNN lỏng lẻo. Chính điều này đã làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng.

Trước thực trạng trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP trong năm 2016, cần siết lại những dự án đầu tư công; cần đầu tư cho những dự án thật sự hiệu quả, đem lại tác động cho nền kinh tế. Không nên đầu tư dàn trải, nhất là những dự án không hiệu quả, lãng phí thì nên mạnh tay cắt giảm, dừng.

Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế quý II -2016 ước khoảng 6,17%, lạm phát cùng kỳ tăng 0,73% so với quý I. Tăng trưởng xuất khẩu quý II-2016 đạt khoảng 8,02% so với cùng kỳ năm 2015, song cán cân thương mại sẽ âm khoảng 420 triệu USD do nhập siêu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh thì cho rằng, khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, từ quý II sẽ tác động mạnh tới cán cân thương mại. Không những thế, từ nay tiếp cận vốn ODA sẽ khó khăn và tổng vốn ODA cũng sẽ giảm so với thời gian trước. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải có bước cải cách mạnh mẽ từ quý 2 trở đi.

Lưu Hiệp
.
.
.