Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD

Thứ Năm, 02/01/2020, 16:29
Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận; tỷ lệ nợ xấu giảm; dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với 2011… Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2020, diễn ra sáng 2-1.


Dự trữ ngoại hối lên đến gần 80 tỷ USD 

Tổng kết lại công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá, thành công lớn nhất và then chốt nhất là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp. 

Trong năm 2019, NHNN đã đưa ra thị trường 500.000 tỷ đồng - tính từ đầu nhiệm kỳ đã bơm ra nền kinh tế 1 triệu tỷ đồng- nhưng không gây ra lạm phát. Thành công quan trọng thứ hai là lãi suất- lãi suất cho vay không chỉ ổn định mà còn giảm, nhất là lĩnh vực ưu tiên (hiện trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên còn 6%). 

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành Ngân hàng.

Thứ ba, về tỷ giá, mặc dù năm qua tài chính toàn cầu biến động mạnh nhưng với kinh nghiệm điều hành thành công từ những năm trước, NHNN vừa chủ động, linh hoạt, vừa kiên định ổn định tỷ giá - ổn định nhưng không cố định- qua đó tỷ giá được điều hành phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô, giúp  dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục.

Thống đốc cho hay, hiện nay, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 80 tỷ USD. Đây là tấm đệm lớn để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN trong ổn định tỷ giá ngoại tệ. 

Thành công thứ tư đó là tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng chất lượng và cơ cấu tín dụng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2019, tín dụng toàn hệ thống tăng xấp xỉ 14%, các ngân hàng đã cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. 

Thứ năm, công tác xử lý nợ xấu được triển khai tích cực và thực chất. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 bao gồm cả nợ tiềm ẩn chỉ khoảng 4,59% - thấp hơn rất nhiều so với con số báo cáo Quốc hội đầu nhiệm kỳ (hồi năm 2016) là 10,8%. Như vậy mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 5% là đã đạt được, tới đây sẽ đưa tỷ lệ này về dưới 3%.

Chỉ ra những thực trạng còn tồn tại, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, ngành ngân hàng sẽ phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau, đòi hỏi phải năng động, chủ động bám sát thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ. Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng nhấn mạnh, năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Lãi suất vẫn còn cao

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại nhiều thành quả ấn tượng của nền kinh tế năm qua và cho rằng không thể thiếu sự đóng góp của ngành ngân hàng. 

Các ngân hàng đã cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua: tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận; tỷ lệ nợ xấu giảm; dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với 2011… 

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều trở ngại, cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường tài chính thế giới biến động. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp từ các hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... ảnh hưởng uy tín của nhiều ngân hàng.

Việc quản lý các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, fintech, trí tuệ nhân tạo... đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NHNN.

Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ vừa ký ban hành và chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. 

Thủ tướng nêu ra mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

Riêng vấn đề lãi suất, Thủ tướng cũng cho ý kiến: “Tôi cũng nói chuyện với anh Hưng (Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng-PV) mấy lần rồi nhưng nay tôi cũng vẫn nói lại là lãi ở Việt Nam vẫn còn cao”, người đứng đầu Chính phủ nói. “Tôi mới gặp Thống đốc Ngân hàng TW Bangkok thì lãi suất ở Thái Lan thấp lắm. Mình huy động cao thì phải tính toán, giảm ngay thì không được nhưng phải tính toán để giảm chi phí kinh doanh vì phần lớn sản xuất kinh doanh vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng là chính”, Thủ tướng nói.

Về tín dụng, Thủ tướng cũng nêu vấn đề tín dụng với lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và các dự án BT, BOT nói riêng. “Tôi lưu ý là tín dụng cho BOT, BT, giao thông vận tải không phải siết chặt lại mà thảo luận hai bên cùng giải quyết. Tín dụng cho các nhà đầu tư BT, BOT, đừng cái gì cũng nói siết lại mà hai bên phải cùng mở ra, hai bên cũng thắng mới là quan trọng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Việt Nam không bao giờ thao túng tiền tệ

Liên quan đến việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. 

Việt Nam không thao túng tiền tệ. Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đảm bảo đúng quy định của Chính phủ là an toàn tuyệt đối, hiệu quả và sinh lời. Chênh lệch thu chi trong hoạt động của NHNN tăng mạnh, tạo được nguồn kết dư bằng tiền lớn. Năm 2019, NHNN đã nộp ngân sách 19.500 tỷ đồng.

Hà An
.
.
.