Tiểu vùng sông Mê Kông tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy

Thứ Ba, 22/05/2018, 08:43
Ngày 21-5, tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) đã diễn ra Hội nghị quan chức cao cấp các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống ma túy nhằm thảo luận kết quả thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống ma túy (MOU) trong thời gian qua và xây dựng kế hoạch hợp tác mới.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo cơ quan phòng, chống ma túy các nước trong khu vực gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cùng hơn 100 đại biểu và chuyên gia cao cấp đến từ các quốc gia, tổ chức quốc tế. 

Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an dẫn đầu tham dự hội nghị.

Trưởng đoàn đại biểu các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.

Báo cáo của hội nghị cho biết, từ nhiều năm qua, khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông  đã nổi lên là địa bàn gắn với hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp của các băng nhóm tội phạm. 

Với nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng các quốc gia, có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, hoạt động sản xuất thuốc phiện và heroin gần đây đã giảm. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp (Methamphetamine) dạng viên và dạng tinh thể lại gia tăng ở mức báo động. 

Chỉ trong những tháng đầu năm 2018, một số quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông đã bắt giữ lượng ma túy tổng hợp vượt qua tổng số các vụ bắt giữ trong năm 2017. 

Bên cạnh đó, một số lượng lớn Methamphetamine bị bắt giữ ở Australia, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Indonesia được xác định có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng (thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông). 

Trong khi công tác đấu tranh, triệt phá các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn do chúng hoạt động bí mật, lại nằm ở khu vực giáp biên giới các quốc gia và mà có thể di động khi bị đấu tranh mạnh.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã tập trung xem xét những dữ liệu cập nhật nhất về tình hình tội phạm ma túy trong khu vực, thảo luận chi tiết về các chiến lược và chương trình thực thi pháp luật trong phòng, chống ma túy; tư pháp, y tế và phát triển thay thế cho những cộng đồng sản xuất ma túy... 

Đồng thời rà soát lại việc thực hiện Bản ghi nhớ hiện hành mà các quốc gia thành viên đã cam kết trước đó. Trên cơ sở đó đề ra kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma túy trong khu vực và đề ra kế hoạch, chiến lược hợp tác mới.

Nhật Nam – Nguyễn Đức
.
.
.