Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản

Chủ Nhật, 04/06/2017, 10:59
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 tại Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 4 đến 8-6-2017.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp, chuyến thăm nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; thể hiện vai trò tích cực hơn của Việt Nam trong khu vực cùng các đối tác đối phó những thách thức chung của khu vực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 vào tháng 9-2016 tại thủ đô Vientiane (Lào)

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973), Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng. Đó là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2009. Năm 2014, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký ”Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”.

Đến năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra ”Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản”...

Hai nước thường xuyên duy trì và thúc đẩy quan hệ chính trị, thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Từ năm 1995 trở lại đây, nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã thăm Nhật Bản. Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản tháng 5/2016.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 9 lần, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe tháng 1/2017. Vào tháng 3/2017, Nhà vua và Hoàng Hậu Nhật Bản thăm Việt Nam, là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, dấu mốc quan trọng, mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch G7, Nhật Bản lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM...

Không chỉ trong lĩnh vực chính trị, mà trên tất cả các lĩnh vực khác như kinh tế-thương mại; giáo dục, văn hóa, xã hội, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng.

Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tính đến năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 30 tỷ USD. Hai bên đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Trong lĩnh vực giáo dục, Nhật Bản là một trong những quốc gia viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam và hiện gần 60.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Nhật Bản cũng đang hợp tác để nâng cấp 4 trường Đại học của Việt Nam đạt Đại học chất lượng cao (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Hà Nội).

Trong lĩnh vực văn hóa, Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc - Trung – Nam; bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Nhật Bản và Việt Nam cũng đang hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác lao động, hợp tác các địa phương hai nước. Nhiều cặp địa phương của Nhật Bản và Việt Nam cũng đã ký văn bản hợp tác như Hồ Chí Minh-Osaka; Đà Nẵng-Sakai; Hà Nội-Fukuoka. Chính việc thắt chặt quan hệ hợp tác các ngành, các địa phương, đã góp phần giúp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị “Tương lai châu Á”. Với chủ đề ”Chủ nghĩa Toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, ASEAN và vấn đề an ninh châu Á. Đây cũng là chủ đề mà Việt Nam rất quan tâm, nhất là trong xu thế bảo hộ của nhiều nước mà Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên mọi lĩnh vực; đồng thời thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực, cùng các đối tác châu Á giải quyết các thách thức toàn cầu. Qua đó, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản; góp phần thúc đẩy hòa bình ổn định, phát triển, thịnh vượng của khu vực và quốc tế.

Theo VOV
.
.
.