Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung

Thứ Năm, 18/01/2018, 10:31

"Bình đẳng giới đồng thời là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định như vậy tại phiên họp Nữ Nghị sĩ diễn ra sáng 18-1 tại Hà Nội.

Phiên họp Nữ Nghị sĩ là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) được tổ chức tại Hà Nội từ 18 đến 21 tháng 1. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 tham dự và phát biểu khai mạc phiên họp. Phiên họp còn có sự tham dự của bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cùng các đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân khẳng định bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Bình đẳng giới đồng thời là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Trong các mục tiêu phát triển bền vững 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thưc hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị nữ nghị sĩ tại Diễn đàn APPF đã góp phần tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của các nữ Nghĩ sĩ, cũng như tạo nên mạng lưới kết nối nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên.

Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APPF-26, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị Nữ Nghị sĩ là “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung” với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ - một cơ chế chưa chính thức – trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đội Quy chế hoạt động của APPF.

Các đại biểu tham dự phiên họp Nữ Nghị sĩ.

Tại phiên họp, đại diện của đoàn Việt Nam cho biết, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để có những biện pháp khác nhau và đạt được những tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới, từ đó giúp Việt Nam xếp hạng thứ 71 trong số 159 quốc gia về bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc năm 2015. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên mức 26,72% so với hai khóa trước. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu (22,3%).

Trong khuôn khổ phiên họp, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu đạt được cũng như thách thức và những giải pháp đặt ra để giải quyết những thách thức đó trong khuôn khổ các Nghị viện quốc gia và trong diễn đàn đa phương liên Nghị viện APPF về Cơ chế Nữ nghị sĩ; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm khuyến khích các nữ Nghị sĩ APPF tham gia sâu hơn nữa vào quá trình ra quyết định, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới trong quốc gia, trong khu vực và vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương

H.C - A.N - D.T
.
.
.