“Hội nghị diên hồng” về tam nông:

Chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp

Thứ Ba, 27/11/2018, 14:43
“Đảng, Nhà nước cần sát cánh, để làm cuộc cách mạng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng; cần nhận diện cơ hội và thách thức để nhận diện định hướng chiến lược; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để tiếp tục phát triển, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số của Cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 


Sáng 27-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông). 

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội cùng 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết cách đây 10 năm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, ngày 5-8-2008, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. 

Qua 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; vai trò và vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên”, đồng chí Nguyễn Văn Bình khái quát và nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của Hội nghị tổng kết lầ này như là “Hội nghị diên hồng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới”

Theo số liệu báo cáo, sau 10 năm, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất, tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào sâu rộng; kết cấu hạ tầng được nâng cấp; điều kiện sinh sống ở nông thôn được cải thiện.

 Đáng chú ý, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng ở các huyện nghèo giảm tới 4%/năm. Chăm sóc y tế ở các vùng nông thôn được cải thiện. Hệ thống giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. 

Đến hết năm 2017, cả nước có trên 34.000 trang trại, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2012. Tính đến hết tháng 7-2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/năm…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp còn một số hạn chế, yếu kém như phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định; nông thôn phát triển không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp; có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng. 

Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục… 

Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” theo Nghị quyết ở nhiều nơi chưa đầy đủ. Cùng với đó, cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Nguồn vốn còn thiếu trong khi bộ máy quản lý nhà nước ở nông thôn đông nhưng chưa mạnh…

Nhận diện cơ hội và thách thức để phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nông nghiệp còn chậm hơn một số nước trong khu vực là đáng suy nghĩ, và nêu câu hỏi liệu có thể vào tốp 15 nền nông nghiệp tiên tiến thế giới? 

Thủ tướng chỉ ra một loạt những tồn tại như đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động thấp, tăng năng suất còn chậm. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp một phần GDP rất nhỏ. Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 15% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tiếp cận vốn, các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Thủ tướng đề nghị các ngân hàng phải tăng cường hơn nữa nguồn vốn vay cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ ra rằng việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, giá thành sản phẩm cao, chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến, chưa đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng; cơ cấu sản xuất còn manh mún, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn nhiều, việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp còn yếu kém...

Định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cả hệ thống chính trị cần thống nhất việc giải quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chung, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực, tự chủ, tự cường của nông dân trong nền kinh tế hội nhập; giải quyết đồng bộ các vấn đề gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khắc phục sự tự ti, ỷ lại của một bộ phận nông dân.

“Đảng, Nhà nước cần sát cánh, để làm cuộc cách mạng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng; cần nhận diện cơ hội và thách thức để nhận diện định hướng chiến lược; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để tiếp tục phát triển, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số của Cách mạng công nghiệp 4.0” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết "tam nông". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để đáp ứng nhu cầu mới, nguồn lực mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hội nhập với tư duy mạnh mẽ; chủ động khắc phục, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, coi đây là định hướng quan trọng cần thống nhất từ trung ương đến địa phương để người dân yên tâm sử dụng; rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp như: cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn...

Trước khi bắt đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Hà An
.
.
.