Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 442 gia đình liệt sĩ

Thứ Sáu, 27/07/2018, 08:13
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, tối 26-7, tại nghĩa trang liệt sĩ Sơn Tây-TP Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông long trọng tổ chức lễ Trao bằng Tổ quốc ghi công cho 442 gia đình liệt sĩ và khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự.


Dự buổi lễ còn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự lễ còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và TP Hà Nội. Mở đầu buổi lễ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và thắp lửa tại đại lễ tri ân.

Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công đợt 1 năm 2018 cho 442 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 44 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 30 gia đình thân nhân liệt sĩ, đại diện cho các gia đình thân nhân liệt sĩ của cả nước đón nhận Bằng Tổ Quốc ghi công dịp này.

Trong số 442 liệt sĩ được Đảng, Nhà nước trân trọng tôn vinh và trao Bằng Tổ quốc ghi công lần này có những liệt sĩ hy sinh từ những năm 1936 (tính đến nay đã 82 năm) như các liệt sĩ: Nguyễn Văn Am (Ký Âm), Tống Văn Ưởng (Hưởng), Trần Ngọc Uẩn (Ký Uẩn), Ngô Văn  Sóc... đều thuộc thành phố Hải Phòng và rất nhiều liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong những năm thập niên 40, 50 của thế kỷ 20. 

Hầu hết thuộc diện hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ từ rất lâu, và được ngành Lao động -Thương binh và Xã hội trân trọng đón nhận và giải quyết theo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công (QĐ 408/QĐ-LDTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, ban hành ngày 20-3-2017).

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng và triển khai website quản lý thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và tổng hợp trên nền hệ thống thông tin địa lý để tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu liệt sĩ và kết hợp xã hội hóa để có chính sách chung trong việc chăm sóc người có công với cách mạng, từ đầu năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng đã phối hợp triển khai Chương trình đặc biệt ý nghĩa này.

Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ và gần 43.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng quy trình về phân chia dữ liệu các cấp, các phần mềm ứng dụng phục vụ cổng thông tin và thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc.

Sau gần 3 tháng triển khai, Bưu điện Việt Nam đã thu thập được thông tin trên 846.700 mộ liệt sĩ của hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam chụp lại. Thông qua việc thu thập dữ liệu từ địa chỉ chi tiết, tọa độ, người liên hệ, Bưu điện Việt Nam cũng lập danh sách số mộ liệt sĩ chưa biết tên cần khắc lại bia là trên 53.000 mộ; mộ cần rà soát bổ sung thông tin là gần 136.000 mộ. Với dữ liệu thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, hiện Cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (địa chỉ: http://thongtinlietsi.gov.vn) đã sẵn sàng phục vụ đông đảo người dân trên cả nước.

Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ không chỉ góp phần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Thông qua cổng thông tin điện tử, khoảng cách địa lý giữa thân nhân liệt sĩ với mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ cũng được rút ngắn đáng kể. Đặc biệt, với những thân nhân, gia đình liệt sĩ không có điều kiện đến tận các  nghĩa trang để thăm mộ thì có thể vào Cổng thông tin để thăm viếng, tưởng niệm phần mộ liệt sĩ ngay tại gia đình.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi và lòng biết ơn tới các liệt sĩ, các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Thủ tướng nhấn mạnh: Không ai được phép quên công ơn cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Công tác chăm sóc người có công trong những năm qua đã phần nào xoa dịu nỗi đau, mất mát của những người ở lại. Những liệt sĩ chưa được công nhận là băn khoăn của cả dân tộc, đến nay đã xác nhận được hàng ngàn liệt sĩ, thương binh.

Thủ tướng biểu dương sự cố gắng của Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng. Đồng thời biểu dương các đơn vị đã tham gia xây dựng cổng thông tin về liệt sĩ. Việc khai trương cổng thông tin vào dịp này có ý nghĩa thiết thực trong việc tri ân các anh hùng liệt sĩ.

l Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Trịnh Đình Khôi; liệt sĩ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm và thăm hỏi, chúc sức khỏe thân nhân gia đình các liệt sỹ.

Thủ tướng đã đến thắp hương tri ân công lao liệt sỹ Trịnh Đình Khôi; thăm hỏi, động viên, chúc sức khỏe cụ Vũ Thị Nhàn, 98 tuổi, mẹ liệt sĩ Trịnh Đình Khôi hiện đang sinh sống cùng gia đình tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sinh ra trong gia đình trí thức, liệt sĩ Trịnh Đình Khôi hy sinh anh dũng tại chiến trường Quảng Trị khi mới 19 tuổi. Đến nay, vẫn chưa tìm thấy mộ liệt sĩ.

Tiếp đó, Thủ tướng đã đến dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm; thăm hỏi, động viên cụ Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hiện đang sinh sống cùng gia đình ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26-11-1942, công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào năm 1970.     

Thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ và thăm hỏi, nói chuyện với gia đình, Thủ tướng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phan Hoạt - PV
.
.
.