Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất giải pháp tăng cường kết nối trong hợp tác ASEM
- Các nước ASEM cần đi đầu cơ chế hợp tác thương mại đầu tư bền vững
- Thủ tướng dự khai mạc và phát biểu tại Hội nghị ASEM 10
- Vấn đề Biển Đông sẽ được bàn thảo tại Hội nghị ASEM 10
- Biển Đông sẽ được bàn thảo tại Hội nghị ASEM 10
Sáng 15-7, Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11) – Hội nghị kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj chủ trì lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo ASEM với nghi thức trang trọng trong sự kiện quốc tế lớn nhất mà nước này đăng cai từ trước đến nay.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã nêu bật những thành tựu quan trọng của Diễn đàn kể từ khi thành lập cách đây đúng 20 năm tại Bangkok, Thái Lan, đề cao vai trò ASEM là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa Á- Âu.
Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj nhấn mạnh, với chủ đề “20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối”, Hội nghị ASEM 11 là dịp để các thành viên đánh giá chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn, định vị ASEM trong cục diện đang định hình và đề ra định hướng hợp tác trong thập kỷ mới.
Sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã tiến hành phiên họp toàn thể thứ nhất về "Hai thập kỷ quan hệ đối tác: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”.
Trong phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh qua hai thập kỷ, ASEM đã khẳng định và đang thực hiện tầm nhìn chiến lược về hợp tác và liên kết quốc tế; trở thành diễn đàn kết nối, liên kết đa tầng nấc giữa các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết các doanh nghiệp, người dân hai châu lục Á – Âu vì hòa bình và phát triển. Trước những cơ hội và thách thức mới trong cục diện thế giới, ASEM cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu về đối thoại và hợp tác trong thế kỷ XXI, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất để khai thác hiệu quả những cơ hội của hợp tác, liên kết trong kỷ nguyên số, làn sóng mới về thương mại - đầu tư quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ASEM cần xác định kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM, chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính; phát triển công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… Tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác khu vực và tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong - Danube, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển; thúc đẩy giao lưu nhân dân của Quỹ Á – Âu....
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á – Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 11 về “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” năm 2017.
Chiều cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEM tham dự lễ hội truyền thống Nadam, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
* Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á- Âu lần thứ 11 (ASEM 11), ngày 15-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, hội kiến, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia Á - Âu, gồm: Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Malta Joseph Muscat, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe...
Trong khuôn khổ các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM cũng đã trao đổi về hợp tác giữa hai châu lục cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.