Bàn giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn kinh tế do dịch COVID -19 gây ra

Thứ Sáu, 10/04/2020, 11:57
"Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.


Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…

Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID -19

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nhắc ngay việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những tác động lớn từ dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu, khẳng định đây là một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra và cho biết, đối với nước ta, có độ mở nền kinh tế cao, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.  

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị này được coi “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu của Chính phủ

Cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Định hướng thảo luận tại Hội nghị, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi.  Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính báo cáo tại Hội nghị này và các đại biểu đóng góp ý kiến thêm.

Về vấn đề chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị với các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch.

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở ngay địa phương mình. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phát biểu thêm một vài điểm nhấn để tổ chức thực hiện kịp thời hơn, đến tận người bị thiệt hại.

Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình

Giải pháp cấp bách giải quyết khó khăn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch, đồng thời phác thảo kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vaccine và thuốc điều trị thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau. Một số quốc gia có thể kiểm soát sớm được dịch, nhưng chỉ cần một vài quốc gia còn dịch thì chính sách phòng vệ vẫn còn tiếp tục, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. 

Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật... theo đúng quy định. 

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II/2020...

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong dự thảo, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...


Phương Thủy
.
.
.