Tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt

Thứ Sáu, 12/07/2019, 09:02
Sau vụ việc lao động bỏ trốn khiến Đài Loan siết chặt chính sách cấp thị thực (visa) cho người Việt, mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng công bố 8 công ty du lịch Việt Nam bị loại khỏi danh sách ưu đãi của Nhật. Hàn Quốc cũng thông báo từ chối xem xét cấp thị thực 5 năm đối với công dân tạm trú tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Đây là những dấu hiệu thiếu tích cực cho ngành du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh du lịch còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng đang chậm dần, khó đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2019 như hiện nay.

Trao đổi về kết quả hoạt động của ngành Du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch thừa nhận, mặc dù ngành Du lịch có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, nội địa nhưng kết quả  vẫn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng của ngành Du lịch năm 2019.

Ngành Du lịch còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót. Rác thải gây ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch. Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch chưa cao.

Điển hình về việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật dẫn đến du khách Việt “mất điểm” đối với nước sở tại mới đây phải kể đến vụ việc Hàn Quốc tuyên bố sẽ chỉ áp dụng chính sách cấp thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại 3 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Lý do, theo phía Hàn Quốc là kể từ khi áp dụng chính sách cấp thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã cấp hơn 16.000 thị thực cho công dân Việt Nam có hộ khẩu, đăng ký tạm trú tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Ngày càng có nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài.

Thay vì việc chỉ xem xét cấp visa 5 năm đối với công dân Việt Nam có hộ khẩu thì việc cấp thị thực cho công dân có tạm trú tại 3 thành phố này tạo điều kiện thuận lợi hơn, cởi mở hơn trong chính sách thị thực đối với người Việt. Tuy nhiên, tình trạng công dân Việt Nam có đăng ký tạm trú tại 3 thành phố này lợi dụng chính sách của phía Hàn Quốc để ở lại, cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng.

Đã có khoảng 2.000 trường hợp vi phạm, riêng tháng 5-2019 tăng đột biến với 100 trường hợp/ngày. Do đó, phía Hàn Quốc sẽ quay về chính sách ban đầu, tức là chỉ xét duyệt cấp thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại ba thành phố nêu trên.

Việc Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản thắt chặt chính sách cấp thị thực đối với công dân Việt Nam, các đơn vị lữ hành Việt Nam, kể cả một số vụ việc du khách bức xúc khi mua dịch vụ trực tuyến nhưng chất lượng chưa như quảng bá… đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là khi du lịch trực tuyến ngày càng phát triển, lượng người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng cao như hiện nay.

Thống kê của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2019, cả nước có 2.297 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó 856 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.414 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong tương lai sẽ còn tăng nhanh vì quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp ngày càng cởi mở, dễ dàng hơn.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ thì việc thiếu kiểm soát hoạt động của các công ty lữ hành quốc tế hiện nay, thiếu ý thức tuân thủ luật pháp của các nước sở tại khi du khách Việt đến du lịch đang tác động tiêu cực, khiến hình ảnh Việt Nam méo mó trong mắt bạn bè quốc tế. Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng thừa nhận, hoạt động đưa người Việt ra nước ngoài du lịch chưa thực sự được quan tâm sát sao.

Hiện nay, ngay các đơn vị quản lý nhà nước, kể cả Tổng cục Du lịch cũng chưa có kênh thống kê tin cậy về số lượng người Việt ra nước ngoài du lịch. Nếu có thống kê thì cũng chỉ là kết quả từ phía cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nhưng đây là số lượng người Việt ra nước ngoài chứ không phải là người Việt đi du lịch ở nước ngoài. 

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng, Tổng cục Du lịch đã nhiều nỗ lực, trong đó có việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho người Việt đi du lịch nước ngoài; tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan trong đảm bảo quyền lợi của du khách Việt ở nước ngoài nhưng vẫn còn những hiện tượng đáng tiếc. Hiện tại, số người Việt đi du lịch nước ngoài vẫn chưa có thống kê đầy đủ. Về việc du khách mua dịch vụ qua sàn giao dịch trực tuyến, kể cả các sàn giao dịch lớn của nước ngoài là xu thế tất yếu, cần có sự bàn thảo, tính toán, có giải pháp chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ chưa như ý, nếu là các sàn giao dịch lớn thì không đáng ngại vì các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải tuân thủ rất nhiều điều kiện chặt chẽ mới được tham gia các sàn giao dịch này. Nếu vi phạm sẽ bị phạt, bị cắt kênh bán hàng hiệu quả. Tất nhiên, đây đều là những vấn đề lâu dài. Để giải quyết được cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cấp, ngành, kể cả lực lượng làm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh của lực lượng Công an, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, các ban ngành liên quan ở các địa phương…

Hoa Nguyễn
.
.
.