Những tranh luận xung quanh việc thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ Năm, 25/10/2018, 17:14
Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề còn chưa thống nhất trong Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, trong đó, vấn đề các đại biểu quan tâm nhất là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý.


Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: "Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại".

Thu hồi tài sản tham nhũng qua Toà án hay thuế?

Không đồng ý với phương án giải quyết tài sản tham nhũng tại Tòa án. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đề nghị Quốc hội phải xem xét kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua Tòa án.

"Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra chưa chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển Tòa án để xét xử. Thực tế, nhiều vụ án phạm tội, nhận hối lộ, người ta khai đưa cho ông A, ông B, nhưng Tòa không thể xét xử vì không có chứng cứ... Thực tế tài sản là của cá nhân, nếu cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh tài sản do phạm pháp mà có, nhưng lại giao cho Tòa để xử lý thu hồi thì không khả thi, vi phạm quyền sở hữu tài sản" - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng không nhất trí với phương án xử lí tài sản không rõ nguồn gốc qua Toà án vì chức năng chính của Tòa án là xét xử. Đây không phải là vụ án hành chính, theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và cũng không thuộc phạm vi của pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

“Theo tôi, đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản, mà cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập không thể khẳng định được về tính hợp pháp thì cần chuyển cho cơ quan điều tra thụ lý điều tra ban đầu, để kết luận về tính hợp pháp hay bất hợp pháp. Nếu không có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý thuế để xử lý theo thẩm quyền. Nếu có dấu hiệu hình sự thì tiến hành khởi tố vụ án để điều tra theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” – đại biểu Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) không đồng ý với cả 2 phương án giải quyết tại Tòa và thu thuế thu nhập cá nhân do cả 2 phương án đều chưa đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn. "Tài sản nghi ngờ do tham nhũng mà có thì hoàn toàn có thể đưa vào điều tra. Nếu điều tra chứng minh là tài sản tham nhũng thì thu hồi toàn bộ. Đạo luật này chủ yếu hướng đến phòng, chứ không phải xử lý các vấn đề về nghiệp vụ. Nếu xử lý về nghiệp vụ thì pháp luật hiện hành đã có biện pháp về hành chính, về tổ chức cán bộ, xử lý hình sự" - đại biểu Nhưỡng lý giải, đồng thời đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên quy định hiện hành.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đại biểu Phạm Hồng Phong, (Hậu Giang) cho rằng Hiến pháp quy định giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử, nhân danh nhà nước phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, của nhà nước, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ. “Tòa án công việc quá tải nhưng Quốc hội giao thêm nhiệm vụ thì hệ thống Tòa án sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ không có gì phải băn khoăn”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và bày tỏ đồng tình, ủng hộ phương án 2, đề nghị phân loại từng loại tài sản để xử lý. “Ví dụ nhà đất chẳng hạn, buộc phải đăng ký, buộc phải sang tên, đóng thuế tài sản chứ không phải thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc này tương tự như việc giải quyết quy định về đất đai. Tôi cũng là người phát biểu quan điểm đã là thu nhập bất minh thì phải thu hồi” – đại biểu Hồng nêu ý kiến.

Ủng hộ kiểm soát tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước bởi thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.

Về vấn đề này, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra ngoài khu vực nhà nước là cần thiết vì trên thực tế, tình hình tham nhũng ngoài khu vực nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta hiện nay. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra ngoài khu vực nhà nước là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với công tác phòng chống tham nhũng lãng phí và đồng bộ với Bộ luật Hình sự quy định xử lý đối với một số loại tội phạm về tham nhũng trong mỗi tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình quy định mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước, nhưng ông Hoàng Văn Cường cho rằng đối tượng chính cần kiểm soát thì luật chưa đề cập, đó là doanh nghiệp tư có quan hệ kinh tế với khu vực công; đồng thời đề nghị phải PCTN đối với các doanh nghiệp này bằng cách kiểm toán 3 năm trước, trong và sau khi nảy sinh giao dịch mua bán cung cấp hàng hoá với khu vực công. “Nhiều nước kiểm toán là theo đuổi dòng tiền đến cùng chứ không chỉ có hoá đơn, chứng từ là đủ. Do đó, cần kiểm toán đến cùng dấu vết dòng tiền để chứng minh có đúng hàng hoá được cung cấp thực sự cho khu vực công hay chỉ trên chứng từ” – ông Hoàng Văn Cường đề nghị và đồng tình việc cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt  “để không có việc rút cả va li tiền đi hối lộ”.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, nạn tham nhũng đã và đang lan toả ngoài khu vực Nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.  Hành vi tham nhũng khu vực tư nhân gây ra ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, điển hình như các hành vi trục lợi đầu tư, mua chuộc quan chức, đưa và nhận hối lộ vì trục lợi mà không phải phục vụ cho lợi ích xã hội. Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, các tổ chức, cá nhân trong dự Luật có sự huy động, đóng góp tiền và tài sản của xã hội rất lớn, mặc dù không phải từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân, nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng của những người có quyền...

Phương Thuỷ
.
.
.