Thị thực điện tử thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ

Thứ Sáu, 18/11/2016, 16:21
Đó là quan điểm của Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên giải trình trước Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh ViệtNam, sáng này 18-11

Cấp thị thực điện tử sẽ duyệt trước đối tượng nhập cảnh

Trước đó, thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là hoàn toàn cần thiết, kịp thời và bản thân Bộ Công an đã đưa ra rất nhiều căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để giải đáp thắc mắc của các đại biểu. 

“Đáng lẽ chúng ta nên làm từ lâu, làm sớm vì đây là xu thế chung của thế giới, trong thời buổi hội nhập. Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin mà còn tạo thuận lợi cho du lịch. Ví dụ các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, thậm chí các bạn Lào, Campuchia đã áp dụng rất lâu rồi” – đại biểu nêu.

Ông đề nghị không nên dùng từ “thí điểm” mà là nên cấp làm ngay, bởi nếu chúng ta bỏ ra 200 tỷ, thí điểm sau 2 năm mà thôi không làm nữa thì 200 tỷ đó rất lãng phí. Bên cạnh đó, trong xu thế chung của thế giới khách du lịch rất ngại khi các chính sách của mình thay đổi thường xuyên.

ĐBQH Đào Thanh Hải (Hà Nội) đánh giá, việc ban hành Nghị quyết thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có ý nghĩa chính trị, pháp lý, đối ngoại và tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài vì chúng ta đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại biểu thảo luận tại hội trường

“Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2014 đến nay số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong diện miễn thị thực chiếm 37%, và cơ quan chức năng không hề được biết trước việc họ nhập cảnh vào Việt Nam. Nếu chúng ta cấp thị thực điện tử thì sẽ có danh sách, duyệt trước những ai sắp nhập cảnh vào, từ đó có quyền từ chối cấp thị thực điện tử đối với những đối tượng khủng bố phá hoại, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, do đó sẽ làm tốt hơn công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội” – đại biểu nói.

Giơ biển xin tranh luận, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, những điều các đại biểu nêu Chính phủ đã giải trình rất rõ. Ông đề nghị các ĐBQH phải xem xét kỹ và mạnh dạn áp dụng. 

“Mỗi lần Chính phủ đưa ra những cái mới để kiến tạo mà chúng ta cứ bàn nhiều, cản trở nhiều thì sẽ bị chậm. Năm 2017 với chỉ tiêu GDP như vậy và mục tiêu phát triển về du lịch cũng như phát triển kinh tế đầu tư như vậy mà chúng ta không áp dụng nhanh, để chậm tháng nào, ngày nào thì sẽ mất quyền ngày đấy”, ông lo ngại.

“Tôi thấy nhiều đại biểu quan tâm đến lĩnh vực an ninh quốc gia, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, Bộ Công an với chức năng tham mưu, trụ cột trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia, tất cả những vấn đề này lãnh đạo Bộ đã nghĩ đến rồi” – ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) giơ biển tranh luận thêm.

 Ông dẫn chứng, ở Nghệ An có một hệ thống mạng mà tất cả người nước ngoài đến đăng ký cư trú tại tỉnh trong một đêm lực lượng Công an đều biết được họ ở đâu, làm gì, tất cả các cơ sở lưu trú phải báo và việc đó được quản lý trên mạng rất đầy đủ.

Không đóng dấu hộ chiếu nhập cảnh ảnh hưởng chủ quyền quốc gia

Thay mặt Ban soạn thảo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử là để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người nước ngoài chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam làm thủ tục mời và bảo lãnh theo quy định; bảo đảm công tác quản lý được tốt hơn theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài. 

Đây cũng là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội

Về ý kiến cho rằng hình thức và cơ quan cấp thị thực đều thay đổi, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trước đây người nước ngoài đến xin thị thực có thể nộp giấy tờ hoặc liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan xuất, nhập cảnh ở trong nước để xin vào nhập cảnh, nhưng xem xét giải quyết cuối cùng là cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.

“Bây giờ chúng ta không qua trung gian đó nữa mà cơ quan xuất, nhập cảnh giao dịch trực tiếp với người nước ngoài, họ có quyền xét và trả lời một cách trực tiếp thông qua mạng điện tử. Đây là sự thay đổi, chưa quy định trong luật. Vì thế phải bổ sung nghị quyết và những điều quy định trong luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công an khẳng định, với quy trình cấp thị thực điện tử, Bộ Công an vẫn thực hiện kiểm tra, xét duyệt nhân sự và chủ động hơn trong công tác đảm bảo an ninh. 

Về vấn đề an ninh mạng, hệ thống nội bộ và hệ thống ngoài không kết nối vật lý trực tiếp để đảm bảo an ninh, an toàn mạng dữ liệu từ hệ thống ngoài vào hệ thống trong nước. Ngược lại, được thực hiện bằng giai đoạn sao chép.

Để triển khai dự án cấp thị thực điện tử, hệ thống trong đã vận hành từ nhiều năm nay và sẽ tiếp tục được củng cố kiểm soát, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn.

Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội

Đối với ý kiến lo ngại việc người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử sẽ khó khăn trong xử lý đối với trường hợp sử dụng hộ chiếu nhập cảnh có ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia (hộ chiếu in hình “lưỡi bò”), Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chúng ta sẽ không chấp nhận, không đóng dấu vào hộ chiếu đó mà như thị thực rời hiện nay đang cấp cho những công dân có loại hộ chiếu này.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đã có 18 đại biểu đăng ký phát biểu và tranh luận, đa số ý kiến các vị ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

“Tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được đoàn thư ký ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự án nghị quyết, trình Quốc hội xem xét thông qua theo chương trình của kỳ họp” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.