Tập trung phát triển kinh tế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành

Thứ Năm, 25/07/2019, 21:06
Phóng viên báo CAND đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh về những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI.

HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI vừa tổ chức thành công Kỳ họp thứ tám để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, xem xét, thảo luận mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh; các báo cáo, tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định một số nội dung quan trọng khác. 

Tại kỳ họp này, nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu đã xoay quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh về những  nội dung quan trọng của kỳ họp này.

Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thái Bình.

Phóng viên: Theo đánh giá của Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, 6 tháng đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả tích cực trên một số lĩnh vực. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về những kết quả này?

Đồng chí Đàm Văn Vượng: 6 tháng đầu năm, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn không ít khó khăn, thách thức đan xen song được sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực trên một số lĩnh vực. 

Nổi bật là: Kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 22,3%, vượt kế hoạch đề ra; các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. 

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tăng mạnh, gấp 1,7 lần về lượng và gấp 11 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nội địa đạt trên 52% dự toán và tăng 33,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng trên 20%, gấp 2,4 lần kế hoạch đề ra. Việc tập trung, tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được đẩy mạnh; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, với 98,5% số xã và 5/7 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí quốc gia. 

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 2 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) tăng 4 bậc và Thái Bình tiếp tục nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có kết quả cao nhất cả nước. Công tác quân sự, quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Phóng viên: Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. HĐND tỉnh đã nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Những vấn đề gì tỉnh cần tập trung giải quyết?

Đồng chí Đàm Văn Vượng: Trong Kỳ họp thứ tám vừa qua, HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những vấn đề cần tập trung giải quyết như: Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp lần đầu tiên trong 15 năm qua tăng trưởng âm, trong đó chăn nuôi giảm sâu, trồng trọt tuy có tăng nhưng chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. 

Việc triển khai thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây, dập dịch và khắc phục hậu quả do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ở một số địa phương chưa quyết liệt, kém hiệu quả. Sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. 

Một số dự án đầu tư trọng điểm chưa được tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nên chậm được triển khai. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đất đai, tài nguyên, môi trường và quản lý, giám sát sau đầu tư. 

Kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số ngành, địa phương, đơn vị chưa tốt; có nơi, có việc còn bê trễ, hiệu quả thấp. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số ngành, địa phương chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng giải quyết “lòng vòng”, không đúng quy trình, không dứt điểm. Cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Tinh thần, thái độ làm việc và trách nhiệm công vụ của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và chống tái lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông ở một số địa phương thời gian gần đây chưa tốt, chưa phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và vai trò tự quản của nhân dân.

HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có các giải pháp sát thực, khả thi nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém; đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; phân công, phân nhiệm cụ thể; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công việc, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tại Kỳ họp thứ tám của HĐND tỉnh vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn về một số vấn đề nóng như giám sát các dự án đầu tư công, giải pháp để lựa chọn những nhà đầu tư có chất lượng, việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích….. Đồng chí đánh giá về chất lượng việc chất vấn trong kỳ họp lần này như thế nào? Từ đó cần giải quyết các vấn đề khúc mắc của người dân ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đàm Văn Vượng: Tôi ghi nhận, đánh giá cao những nội dung đại biểu chất vấn, đều là những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, cần tập trung giải quyết, khắc phục. 

Phần trả lời chất vấn của thủ trưởng các ngành thẳng thắn, cầu thị, nhận rõ trách nhiệm, đưa ra các giải pháp khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Một số nội dung đại biểu đăng ký chất vấn nhưng không còn thời gian cho phiên chất vấn, Đoàn Chủ tọa Kỳ họp đề nghị thủ trưởng ngành, đơn vị trả lời bằng văn bản để đại biểu và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện chất vấn. 

Qua phần chất vấn, trả lời chất vấn, những bức xúc của người dân phải được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn tình hình, những quyền lợi chính đáng của người dân sẽ phải được từng bước xem xét, giải quyết. Các ngành, các đơn vị đã nhận ra thiếu sót và yếu kém thì cần phải đề ra những giải pháp để khắc phục, phải hành động một cách quyết liệt, nói đi đôi với làm, phải làm kiên quyết. 

Sau kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh và nhân dân tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, nhất là thực hiện lời hứa của các thủ trưởng ngành để các ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Kỳ họp thứ tám của HĐND tỉnh thực hiện “kỳ họp không giấy”.  Đồng chí có thể trao đổi cụ thể về vấn đề này?

Đồng chí Đàm Văn Vượng: Kỳ họp HĐND vừa rồi, được coi là kỳ họp HĐND “không giấy” đầu tiên của Thái Bình với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ tổ chức và điều hành tại kỳ họp. 

Mỗi đại biểu tham dự kỳ họp được cấp một máy tính bảng, tài khoản mạng riêng và dùng tài khoản đó để truy cập tài liệu phục vụ kỳ họp. Đồng thời, đại biểu thực hiện chức năng chọn biểu quyết trực tuyến cho kết quả ngay trên máy tính và màn hình lớn được bố trí tại hội trường.    

Các đại biểu HĐND tỉnh đăng ký thảo luận, chất vấn bằng máy tính bảng.   Trong máy tính bảng còn cài đặt ứng dụng tự động chuyển các file văn bản sang giọng nói, giúp các đại biểu có thể nghe nội dung các văn bản ở mọi lúc, mọi nơi...

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND tỉnh giúp giúp các đại biểu dễ dàng trong việc nghiên cứu, lưu trữ tài liệu; giảm tải cho công tác chuẩn bị kỳ họp của Văn phòng và tiết kiệm chi phí.

Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, từ nay đến cuối năm, tỉnh Thái Bình sẽ phải tập trung thực hiện nhũng nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đàm Văn Vương: Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, đồng bộ, bằng nhiều hình thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền, nhất là các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế và chủ trương thu hút đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Thái Bình, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

UBND tỉnh khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của HĐND tỉnh thành các quy định, chính sách, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019 đã được phê duyệt, bảo đảm kỷ cương mùa vụ, cơ cấu giống và phương thức canh tác, phấn đấu đạt kết quả cao hơn kế hoạch đề ra để bù đắp cho giảm sút trong chăn nuôi. 

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung phát triển các loại cây rau màu, cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ. Chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tạo lập và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất; thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ các xã và huyện đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chú trọng rà soát, tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giải phóng tối đa năng lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ.... 

Ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước có uy tín, thương hiệu và các doanh nghiệp đến từ các nước Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Củng cố, phát triển nghề và làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan của Nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công. Kiên trì thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án BT, BOT đã được ký kết hợp đồng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (nhất là thu thuế, phí, lệ phí). Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và của tỉnh về xử lý nợ công và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.

Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên nước và khai thác cát trên sông, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, chú trọng phương án phòng, chống siêu bão.

Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, văn kiện và các công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc quy định về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ an ninh, quân sự, quốc phòng địa phương; chủ động nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý dứt điểm các vụ việc theo phân cấp, không để bị động, bất ngờ.

T.H (Thực hiện)
.
.
.