Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh Việt Nam

Thứ Ba, 29/10/2019, 14:50
Việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được đánh giá là sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh

Chiều 29-10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 16-6-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội chiều 29-10. Ảnh: quochoi.vn

Sau hơn 4 năm triển khai, Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng đã phát sinh một số vấn đề trong thực tế chưa được điều chỉnh trong Luật; một số quy định của Luật chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan mới được ban hành nên cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, dự thảo Luật lần này sửa đổi 18 Điều, bổ sung 3 Điều của Luật số 47. Các nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật là việc luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Dự thảo luật cũng quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu; sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên và phân loại các nhà đầu tư theo 4 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp...

"Quy định trên phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thực hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài", Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.

Dự thảo cũng đề nghị giao Chính phủ quy định: Việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cấp chứng nhận tạm trú qua Cổng kiểm soát tự động; người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam và cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam.

Dự thảo Luật thể hiện quyết tâm cải cách hành chính

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày, Uỷ ban tán thành về việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: quochoi.vn

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc ban hành dự án Luật sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.

Về nội dung luật hoá việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đánh giá đây là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

"Qua tổng kết việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã khẳng định là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực vì thủ tục thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam nên việc luật hóa cấp thị thực điện tử vào dự thảo Luật này là cần thiết", báo cáo nêu rõ.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật để bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 25-11.

Quỳnh Vinh - Thiện Minh
.
.
.