Tạo cơ chế thuận lợi tối đa để TP HCM phát triển xứng tầm

Chủ Nhật, 13/01/2019, 07:34
Ngày 12-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương. 

Dự hội nghị về phía TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo UBND và các sở, ngành của thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018 vừa qua, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn nhưng TP Hồ Chí Minh đã rất cố gắng để kinh tế - xã hội đạt được kết quả nổi bật ở những chỉ tiêu quan trọng. 

Cụ thể, tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng cơ bản TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là thành phố đông dân nhất cả nước và là một trong những đô thị đông dân nhất của khu vực châu Á, nhưng TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; những vụ việc kéo dài nhiều năm đã được tập trung xử lý, giải quyết từng bước đạt kết quả đáng mừng. 

TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai một số biện pháp sáng tạo, giải pháp đặc thù để tạo động lực phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Trong đó, thành phố đã tập trung triển khai một số giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh và một số nghị quyết quan trọng của Trung ương, của Bộ Chính trị và đặc biệt HĐND thành phố đã có Nghị quyết triển khai một số giải pháp mới để đóng góp xây dựng thành phố. Tuy nhiên theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề đã đạt kết quả tốt, song cũng có nhiều vấn đề cơ chế, chính sách chưa được làm rõ làm cho thành phố gặp trở ngại, khó khăn. 

Do đó Thủ tướng mong muốn tại buổi làm việc này các cơ quan Trung ương thảo luận cùng với thành phố để tìm hướng tháo gỡ, nhất là với những kiến nghị của thành phố. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng đề nghị việc thảo luận, góp ý một số phương hướng, nhiệm vụ nhằm cùng TP Hồ Chí Minh tháo gỡ các vướng mắc với tinh thần là “cùng bàn, cùng xốc tới, cùng tiến bước mạnh mẽ, đưa thành phố phát triển” theo kịp với xu hướng của các thành phố lớn trong khu vực châu Á. 

Đồng thời cần thảo luận, giải quyết các kiến nghị của thành phố với tinh thần được phân cấp, được giao quyền mạnh mẽ, cụ thể hơn cho thành phố để làm sao tạo điều kiện tối đa cho TP Hồ Chí Minh phát triển. Muốn làm được điều này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần phải có sự đồng thuận, “trên dưới một lòng”, cùng nhau hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, triển khai thực hiện cơ chế đặc thù, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai 10 đề án như thu phí đậu xe tạm dưới lòng đường ở khu vực trung tâm; sữa học đường; điều chỉnh học phí học bậc mầm non và THCS; cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, người tài vào làm việc cho thành phố; tạo nguồn để cải cách thu nhập tăng thêm; phân bổ ngân sách thành phố năm 2019…

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, qua một năm triển khai đã bước đầu nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong một số công việc; giúp thành phố có thể quyết định nhanh hơn, sát thực hơn, để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. 

Trong đó, việc ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho Chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc các sở đã giúp các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, từ đó cho hiệu quả thực tế cao hơn.

Đặc biệt, việc thực hiện thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước thành phố đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã nêu ra nhiều nội dung cần được Trung ương hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tháo gỡ như thí điểm cho phép thành phố thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại các DN; Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 và ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo tiến độ…

Đề xuất Chính phủ sớm ban hành quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành Trung ương với thành phố trong việc rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện trên địa bàn có tới 12.800 cơ sở nhà đất của các cơ quan Trung ương; trước mắt Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan Trung ương, tập đoàn Nhà nước khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND thành phố để kiểm tra, rà soát lại một cách tổng thể nhằm có thể sắp xếp, xử lý nhà đất sử dụng kém hiệu quả. 

Về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng Chính phủ nên bãi bỏ việc ban hành khung giá đất tối thiểu, tối đa làm cơ sở để TP Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường, tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo bảng giá đất. Cùng lúc, cần loại bỏ quy định về kỳ ổn định 5 năm do giá đất trên thị trường biến động thường xuyên nên quy định này là chưa phù hợp. 

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan Trung ương đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến đối với những vấn đề còn vướng mắc của thành phố cũng như lưu ý với thành phố những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình triển khai để hỗ trợ thành phố phát triển nhanh, bền vững ngay trong năm nay và những năm sắp tới.

Cùng ngày, làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự ủng hộ đối với tỉnh về dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, giúp tỉnh thực hiện mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ là vào tốp tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 8,36%, mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng. Khu vực Nông nghiệp chiếm 41,30%; công nghiệp - xây dựng 15,72% và dịch vụ chiếm 41,47% trong GRDP (năm đầu tiên tỷ trọng dịch vụ cao hơn tỷ trọng nông nghiệp).

Tỉnh đã xác định trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gồm nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu có năng suất cao gấp 10-15 lần so với nuôi tôm công nghiệp bình thường.

Tại cuộc làm việc, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ thúc đẩy phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Đây là dự án rất quan trọng, giúp tỉnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng đột phá và bền vững, mang cơ hội to lớn cho tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ của tỉnh là vươn lên vào tốp tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. 

Theo tính toán sơ bộ, dự án sẽ mang lại khoảng 2,5-3 ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương. Dự án có quy mô 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD do Công ty Delta Offshore Energy của Hoa Kỳ đầu tư.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đối với Bạc Liêu tại cuộc làm việc với tỉnh cách đây gần 1 năm là "xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam của đất nước”. 

Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn; tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước; làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu; nhất trí việc bổ sung dự án vào Sơ đồ quy hoạch điện 7. Tỉnh cần làm việc với nhà đầu tư để có cam kết chắc chắn, nhất là đối với các vấn đề như năng lực tài chính, thời gian, tiến độ.

Đức Thắng - PV
.
.
.