Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Binh chủng Công binh (25-3-1946 – 25-3-2016)

Sự ra đời truyền thống “mở đường thắng lợi”

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:23
Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của binh chủng, truyền thống Quyết chiến, quyết thắng của Quân đội, 70 năm qua, bộ đội công binh đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng Binh chủng cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt sinh lực địch. Sau chiến dịch Hòa Bình 1951, đầu tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với mục đích là: giải phóng một vùng đất đai ở địa bàn có tầm chiến lược quan trọng. 

Lực lượng tham gia chiến dịch Tây Bắc gồm 4 đại đoàn chủ lực (3 đại đoàn bộ binh: 308, 312, 316 và Đại đoàn công pháo 351), một tiểu đoàn và 11 đại đội bộ đội địa phương. 

Chiến dịch mở màn ngày 14 tháng 10 và kết thúc ngày 10 tháng 12 nàm 1952, kéo dài gần 2 tháng. Trung đoàn 151 Công binh tham gia chiến dịch đủ 3 tiểu đoàn. Trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy trung đoàn chỉ đạo triển khai đợt học tập quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng về "Thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc", "Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về chính sách dân tộc trong chiến dịch”.

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt mục đích ý nghĩa của chiến dịch, nhiệm vụ của công binh, những thuận lợi, khó khăn trong bảo đảm vượt sông, mở đường và sửa chữa đường, đồng thời phát động thi đua, động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đợt 1 chiến dịch, Trung đoàn 151 Công binh giao cho Tiểu đoàn 555 tổ chức bảo đảm cho các lực lượng chiến dịch vượt sông Thao trên các bến: Âu Lâu, cổ Phúc, Mậu A trong 3 đêm (từ 10 đến 12 tháng 10 năm 1952). 

Nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó khăn vì sông rộng, lực lượng qua sông rất lớn, cần phải bảo đảm bí mật, an toàn. Quá trình tổ chức vượt sông, tiểu đoàn tiến hành công tác hiệp đồng với các đơn vị bạn, quan hệ với địa phương, cùng với 1.100 dân công sử dụng 381 chiếc thuyền nan, 46 thuyền gỗ cùng 20 xuồng gỗ và 5 máy đẩy, tổ chức chỉ huy, hướng dẫn các đơn vị xuống từng bến, từng thuyền rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm qua sông an toàn.

Các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 151 theo sát, chỉ đạo Tiểu đoàn 555, đôn đốc, nhắc nhở, động viên kịp thời các lực lượng khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với dân công và giúp đỡ các đơn vị bạn để hoàn thành nhiệm vụ. 

Sau 3 đêm, Tiểu đoàn 555 đưa được trên 40.000 người, 36 khẩu pháo, 333 lừa ngựa và hàng trăm tấn trang bị, lương thực, thực phẩm, thuốc men, bí mật vượt sông an toàn. Đây là cuộc bảo đảm vượt sông lớn nhất được tổ chức chặt chẽ, chu đáo, thành công lớn đầu tiên trong lịch sử Công binh Việt Nam.

Cùng với việc đảm bảo vượt sông năm tuyến đường phục vụ bộ binh do các tiểu đoàn 333, 444 cùng công binh các đại đoàn mở, mỗi tuyến đường dài 50 đến 60km, vượt qua rừng sâu, núi cao được triển khai. Do làm tốt công tác dân vận nên đã chọn được tuyến hợp lý và đúng hướng, giữ bí mật, bảo đảm an toàn, hoàn thành đúng thời gian quy định. 

Khi mở đường cho bộ binh vào đánh đồn Sài Lương, một đồn được địch canh giữ chặt chẽ, có hàng rào dây thép gai và mìn dày đặc, Trung đội 7, Đại đội 270 thuộc Tiểu đoàn Công binh 333 được giao nhiệm vụ mở cửa cho bộ binh xuất kích xung phong. Trung đội 7 do Trung đội trưởng Nguyễn Cổ Cầm chỉ huy tiến hành động viên đơn vị, bí mật tháo gỡ mìn, cắt dây thép gai. Trong khi làm nhiệm vụ, Trung đội phó Hoàng Văn Quý và Tiểu đội phó Nguyễn Văn Điệt đã dũng cảm hy sinh ngay trước cửa mở.

Vượt lên khó khăn ác liệt, nguy hiểm, các chiến sĩ công binh vẫn giữ vững ý chí quyết tâm, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ mở đường xuất kích bảo đảm kịp thời gian để bộ binh tiến công địch. Với thành tích mở đường Sài Lương, Đại đội Công binh 270 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi.

Sau 13 ngày chiến đấu, kết thúc đợt 1 chiến dịch, quân ta giải phóng Nghĩa Lộ, Phù Yên, Quỳnh Nhai, đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch. Thắng lợi giòn giã đó có sự đóng góp to lớn của Trung đoàn 151 và công binh các đại đoàn. Đợt 2 chiến dịch, Trung đoàn 151 Công binh được giao nhiệm vụ cùng 2.500 dân công tiếp tục mở đường 13 từ Âu Lâu đến Khe Địa dài 47km và bảo đảm đưa Đại đoàn 308 vượt sông Đà. Nhiệm vụ mở đường và bảo đảm vượt sông trong đợt 2 chiến dịch có nhiều khó khăn, phức tạp, gian khổ hơn đợt 1.

Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm kịp thời cho bộ binh chiến đấu. Quyết tâm đó được quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ, chiến sĩ và dân công. Nhiều cán bộ, chiến sĩ dũng cảm lao động quên mình và luôn nghiên cứu, tìm tòi, đề ra biện pháp khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. 

Điển hình là Đội trưởng Đội phá bom 83 Nguyễn Phú Xuyên Khung đã chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được nhận phần thưởng là chiếc áo lụa của Bác Hồ do trung đoàn tặng. Đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Am đã không tiếc máu xương, hy sinh khi nghiên cứu tháo ngòi nổ bom M.124-A1.

Kết thúc chiến dịch Tây Bắc, bộ đội công binh được thưởng 3 Huân chương Quân công hạng Ba, 3 Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất và vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng "Mở đường thắng lợi". Bốn chữ vàng đó vừa là lời khen, vừa là phương hướng chiến lược Hồ Chủ tịch căn dặn bộ đội công binh cần thực hiện tốt. Từ đây "Mở đường thắng lợi" trở thành truyền thống vẻ vang của Công binh Việt Nam. 

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của binh chủng, truyền thống Quyết chiến, quyết thắng của Quân đội, 70 năm qua, bộ đội công binh đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng Binh chủng cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Binh chủng công binh và 11 đơn vị, 73 cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Binh chủng được tuyên dương 2 lần (1976 – 2013).

Đào Duy Thủy (Theo Lịch sử CTĐ, CTCT - Binh chủng Công binh 1946 -2000)
.
.
.