CHẤT VẤN – NHỮNG DẤU ẤN SỐNG ĐỘNG

Sống động từ người “cầm trịch” (bài cuối)

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:20
Có nhiều yếu tố để phiên chất vấn, trả lời chất vấn thực sự sống động và đi vào thực chất. Ngoài đại biểu hỏi và người trả lời, ở đây, tôi phân tích yếu tố “người cầm trịch” bởi bản lĩnh, dũng khí và sự sắc sảo của người điều hành chất vấn giữ vai trò rường cột.

(Tiếp theo và hết)

Ngày trước, khi nhận xét về chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn An (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) nói rằng, có ba cách hỏi trong đời thường. Đó là hỏi để biết, hỏi chỉ để mà hỏi và hỏi để làm rõ trách nhiệm. “Hỏi trong chất vấn phải là cách hỏi thứ ba, đó là làm rõ trách nhiệm” – ông nói.

Thực vậy, hỏi để biết là khi người hỏi cần biết, cần hiểu một điều gì đó, phạm vi này rất rộng. Hỏi để mà hỏi là khi người hỏi chỉ hỏi lấy lệ, hỏi mà cũng không quan tâm đến nội dung trả lời sẽ là gì, ví như gặp nhau hỏi lấy lệ “ăn cơm chưa”, “đi đâu đấy”. Còn hỏi để làm rõ trách nhiệm là nhiệm vụ của đại biểu tại chất vấn, đó là làm rõ những hạn chế, tồn tại, những việc chưa làm được để làm rõ nguyên nhân, giải pháp và xác định trách nhiệm của người thực hiện. 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng từ “tư lệnh” để chỉ vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Đây là những chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn nên trước Quốc hội thì bộ trưởng, trưởng ngành phải là người chịu trách nhiệm chứ không có việc “ủy quyền” hay giải thích trách nhiệm của người khác, của cơ quan, ban ngành khác. 

Có lần, khi đại biểu Quốc hội hỏi chuyện mất cắp cổ vật trong các chùa, vị bộ trưởng về văn hóa, thể thao khi đó nói rằng do phân cấp nhiều đầu mối quản lý nên bộ trưởng không nắm được và ông nói đó là thực trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”! Không đồng ý cách giải thích này, điều hành phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn An nói rằng, trong thực tế quản lý ở bộ, có thể có “nhiều sãi”, tức nhiều đầu mối quản lý như bộ trưởng nói. Song trước Quốc hội, trước cử tri, chỉ có một “sãi” phải chịu trách nhiệm, đó chính là bộ trưởng, là “tư lệnh ngành” – người đã được Quốc hội bầu, phê chuẩn, đã được Chính phủ phân công phụ trách theo ngành, lĩnh vực. Khái niệm “tư lệnh” trong hoạt động chất vấn cũng được định hình từ đó. Ông chính là người tạo dấu ấn nổi bật trong hoạt động nghị trường, đặc biệt với vai trò “cầm trịch”, điều hành chất vấn, trả lời chất vấn và nhiều câu chuyện sâu sắc tới nay còn được lưu truyền, được những khóa đại biểu tiếp theo để tâm, học hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (nhiệm kỳ 2002-2007) đã tạo những dấu ấn tại nghị trường.

Với những kinh nghiệm tích lũy qua các khóa, hiện nay hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tiếp tục được phát huy và luôn trở thành “hạt nhân” trong hoạt động Quốc hội, được cử tri, nhân dân chờ đợi mỗi khi Quốc hội khai màn. Đã có rất nhiều đổi mới được bổ sung, hoàn thiện như đổi mới về cách hỏi, cách trả lời, về nội dung, chủ đề, đổi mới trong việc giám sát thực hiện lời hứa của bộ trưởng, về việc ra nghị quyết chất vấn… Chất vấn có tính tổng kết nhiệm kỳ như vừa thực hiện tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII cũng là sự đổi mới có tính đột phá, nhiều người gọi đây là phiên chất vấn đặc biệt.

Ở đây, yếu tố người “cầm trịch” (thường là Chủ tịch Quốc hội) – điều hành chất vấn càng thể hiện rõ. Có thể nói, người điều hành quyết định rất lớn đến sự thành công hay không, sống động hay không, thực chất hay không buổi chất vấn. Người điều hành không chỉ giữ vai trò gọi hỏi theo danh sách mà còn thực hiện các hoạt động cần thiết trong việc hỏi và đáp của đại biểu, của bộ trưởng (như hướng dẫn, gợi ý, căn chỉnh thời gian hỏi đáp, trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và bình luận, đánh giá…). Cách thực hiện, điều hành phụ thuộc rất lớn vào người “cầm trịch”, phụ thuộc động thái dứt khoát (như yêu cầu dừng việc báo cáo, phải hỏi thẳng, đáp thẳng), phụ thuộc những câu hỏi, bình luận, đánh giá sắc sảo. 

Đặc biệt, người “cầm trịch” rất cần bản lĩnh và dũng khí khi điều hành chất vấn; bản lĩnh để không e ngại các vấn đề và nể nang còn dũng khí để thể hiện cách nói, cách hỏi, cách bình luận có uy thế, có tầm.  Người “cầm trịch” có sự điều tiết hợp lý để không xảy ra xung đột trong chất vấn nếu đôi bên quá căng! Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII) thường lưu ý các đại biểu hỏi và bộ trưởng trả lời rằng, cách đặt vấn đề phải rõ, gọn còn người trả lời cũng phải cụ thể, đi vào thực chất. Đặc biệt, dù hỏi và trả lời nội dung nào thì cũng phải trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước, xã hội chứ không “gài” vấn đề cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhiệm kỳ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thể hiện dấu ấn đậm nét về dũng khí của “người cầm trịch” qua các phiên thảo luận và chất vấn tại nghị trường. Kỳ trước, chuyện con gà cõng 14 loại phí được đại biểu nêu ra và trở thành đề tài bàn luận sôi động nhiều ngày sau đó. 

Tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể cho rằng chuyện con gà là chuyện nhỏ, đây là vấn đề lớn liên quan đời sống người nông dân cũng như thể hiện nền hành chính đất nước. Người nông dân, nền nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi mà những thứ phí, lệ phí chồng chất như vậy thì không thể phát triển được. Ông  yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải quyết, dẹp bỏ ngay những loại phí không cần thiết và phải hứa ngay trước Quốc hội thời hạn giải quyết chứ không chỉ là chuyện hứa chung chung. Với động thái mạnh mẽ, dứt khoát như vậy, việc ấy được hai bộ cam kết ngay tại phiên chất vấn và giải quyết nhanh chóng sau đó.

Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 10 mới đây, tính sống động của chất vấn tiếp tục được thể hiện từ dũng khí của người “cầm trịch”. Khi Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về hàm vụ trưởng, hàm cục trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “nắn chỉnh” để người trả lời đi thẳng vào trọng tâm, trả lời cụ thể vào nội dung câu hỏi. 

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, hàm vụ trưởng, hàm cục trưởng không được quy định trong văn bản pháp luật nào nhưng trên thực tế lại đang được áp dụng và Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, thấy có hai luồng ý kiến khác nhau nên đã trình Chính phủ xin chỉ đạo. “Trung ương và địa phương đều không được tiếp tục bổ nhiệm cấp hàm. Đồng chí nói dứt điểm đi, phải thế không?”- Chủ tịch Quốc hội chất vấn. “Đúng như vậy” - Bộ trưởng Nội vụ trả lời. 

Chính chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đã gói lại nội dung câu trả lời, đồng thời không khí nghị trường vì thế tăng tính sống động. Hay trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu hỏi khoản nợ đọng thuế còn hơn 70 nghìn tỷ đồng liệu có thu được không? Phần trả lời đã hơn 20 phút nhưng chưa đi vào trọng tâm, lập tức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Đại biểu hỏi là còn hơn 70.000 tỷ đồng tiền thuế đang nợ đọng, Bộ Tài chính có thu được không? Bộ trưởng chỉ cần nói có hay không thôi? Còn làm gì là việc của Bộ trưởng”. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: Tính đến nay đã thu 32.000 tỷ đồng, vẫn còn hơn 34.000 tỷ đồng sẽ thu sắp tới”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chốt: “Tóm lại, Bộ trưởng cam kết có thu được phần thuế còn lại hay không?”. Bộ trưởng Tài chính cam kết “thu được!”.  Vậy là với cách hỏi dứt khoát của Chủ tịch Quốc hội, điều đại biểu chất vấn đã được trả lời rõ “thu được”, thay cho việc giải thích dài dòng. Nghị trường tán thưởng bằng tràng pháo tay.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp khép lại và chất vấn sẽ hẹn tiếp ở nhiệm kỳ sau. Thường thì người “cầm trịch” chất vấn là Chủ tịch Quốc hội. Bởi vậy, cử tri, nhân dân hy vọng người đảm nhiệm vị trí đó trong nhiệm kỳ tới sẽ là người có dũng khí, bản lĩnh để tiếp tục thể hiện, phát huy được những tố chất cần thiết như người tiền nhiệm và chỉ có như vậy thì tính hiệu quả trong hoạt động chất vấn nói riêng, hoạt động Quốc hội nói chung mới thực chất, sống động và hiệu quả.

Chất vấn tiếp tục sẽ là một trong các hạt nhân của kỳ họp Quốc hội. Nhưng điều quan trọng, từ sự sống động ở nghị trường phải chuyển vào hành động trong thực tiễn, đó là việc thực hiện các lời hứa sửa chữa khuyết điểm, tồn tại. Loạt bài viết trên đây, chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu vấn đề này, chỉ đề cập trên 3 khía cạnh tạo nên dấu ấn sống động nghị trường: đại biểu, bộ trưởng và người điều hành. Đó là một lát cắt của hoạt động giám sát tối cao - một trong ba chức năng của Quốc hội, từ đó để bạn đọc trả lời câu hỏi vì sao diễn đàn này luôn có sức hút trong tiến trình phát triển của Quốc hội.

“Không thể cho rằng chuyện con gà là chuyện nhỏ. Người nông dân, nền nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi mà những thứ phí, lệ phí chồng chất như vậy thì không thể phát triển được”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói về chuyện con gà cõng 14 loại phí.

Đăng Trường
.
.
.