Dấu ấn của những “Tư lệnh” ngành (bài 2)

Thứ Hai, 30/11/2015, 08:14
“Chúng cháu mỗi người ăn một bát phở, riêng bác phải ăn hai bát. Chúng cháu biết bác là Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, bác ăn nhiều để còn chống bão lụt, lo cho bà con” – lời một công nhân khi mời Bộ trưởng Lê Huy Ngọ tại quán phở.

Quốc hội khóa XI, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng được cử tri gọi là “ông thẳng tính, ông trực tính”. Quả thực, ngay trước diễn đàn chất vấn, sự thẳng tính, bộc trực của ông khiến những phiên trả lời chất vấn thực sự sống động. Phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án xin cho quota bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại.  

Khi đó, một thứ trưởng của bộ này bị khởi tố, điều tra. Là người “cầm trịch” Bộ Thương mại, đương nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại bộ mình, nhưng điều quan trọng hơn là đại biểu Quốc hội muốn làm rõ cơ chế nào sinh ra tiêu cực để loại trừ chứ không chỉ là chuyện xử lý cá nhân phạm pháp. 

Ông nói, doanh nghiệp khi ra bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn ra Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải ra Bộ nữa bởi cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao. “Tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗiđau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng. Là Bộ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm trước sự việc tiêu cực xảy ra trong cơ quan của mình và xin nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ”. 

Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho hay, trong giờ nghỉ giải lao, các vị đại biểu Quốc hội có trao đổi với ông và đều khen Bộ trưởng Trương Đình Tuyển dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trả lời chất vấn rất thẳng thắn.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ trong "vòng vây" phóng viên.

Rời diễn đàn chất vấn, ông Trương Đình Tuyển vui thú điền viên và ở đó là lúc thi ca thành người bạn hữu. Ít ai biết, ông thương mại, “ông WTO” lại có chất trữ tình thế này:

"Vụng về và chậm muộn

Sao cứ nhiều đam mê

Thu có còn đủ nắng

Cho xôn xao mùa về…".

“Bộ trưởng của nhà nông” Lê Huy Ngọ cũng đã rời “quan trường” hơn 10 năm, chừng đó thời gian diễn đàn chất vấn không còn hình ảnh ông nữa. Nhưng khi một người đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri, nhất là với một Bộ trưởng được mệnh danh “Bộ trưởng của nhà nông”, một đời gắn bó, quản lý và trăn trở việc lao động, sản xuất, đời sống của bà con thì họ vẫn luôn dành tình cảm về ông không phân biệt “làm quan hay về quê”. 

Ông kể, có lần ra phố Thụy Khuê ăn phở Cồ Cử, có hai công nhân ngồi gần đó gọi 4 bát, họ đặt trước ông 2 bát và nói: “Chúng cháu mỗi người ăn một bát, riêng bác phải ăn hai bát”. Ông ngạc nhiên, một trong hai công nhân liền nói: “Chúng cháu biết bác là Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, bác ăn nhiều để còn chống bão lụt, lo cho bà con”. Rồi có lần đi chống bão lụt ở Phú Yên, khi qua một quán nước, bà chủ quán mời vào uống nước hoa quả, khi thanh toán thì một mực từ chối lấy tiền vì bà bảo “tiền bạc đáng bao, tôi thấy bác hôm qua ở trên tivi, lội giữa đồng nước mênh mông, thương bác lắm…”.  

Ông Lê Huy Ngọ với người dân Thanh Hóa.

Bao nhiêu năm trên cương vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp, nông thôn, ông xuất hiện trước diễn đàn chất vấn để trả lời câu hỏi vì sao được mùa rớt giá, vì sao nông dân bỏ ruộng đi buôn, rồi làm thế nào sống chung với lũ, phương án tránh bão miền Trung ra sao… Quốc hội khóa X, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh khi đó thường nói, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn dân số, lao động với rất nhiều vấn đề nên phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ ưu tiên dài thêm 30 đến 60 phút so với các bộ trưởng khác.

Chiều 1-6-2004, khi ấy Hội trường Ba Đình chưa xây mới. Các vị đại biểu đến nghị trường trong nhiều tâm tư khi thực hiện bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với ông Lê Huy Ngọ. Ông bị miễn nhiệm khi  phải chịu trách nhiệm do để xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh, có hai thuộc cấp của mình cũng phải ra tòa. 3 giờ chiều, ông Lê Huy Ngọ xách chiếc catap từ Hội trường đi thẳng ra đường hoa hồng, đoạn mấy cây bằng lăng chỉ quá tầm người. Chúng tôi  tần ngần bước theo ông. Mấy phút trầm tư thả khói mỏng tang, ông nói: “Mình thấy đây cũng là việc bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”…

Câu chuyện của ông “Bộ trưởng nông dân” rồi cũng dịu đi, cũng như cái nắng tháng sáu năm nào.

Nghị trường chất vấn dẫu ở nhiệm kỳ nào vẫn luôn sôi động ở những mảng nóng của xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa… Tuyên truyền mấy nhiệm kỳ, tôi thấy chưa có vị Bộ trưởng Giáo dục nào được yên, mà những vấn đề đặt ra như lõi gai cứ tồn tại từ đời Bộ trưởng này đến đời Bộ trưởng khác. 

Còn nhớ, thời ông Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, mỗi lần lên diễn đàn trả lời chất vấn là mỗi lần toát mồ hôi. Ví như năm 2003 (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI), đại biểu Nguyễn Đức Dũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trả lời trách nhiệm trong 4 tồn tại, yếu kém của ngành, trong đó có việc lãng phí tiêu cực, cán bộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo “đổ xô” đi làm dự án. Lau mồ hôi trán, người đứng đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo ái ngại: “Tôi xin khẳng định không có chuyện đó và xin sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật trước Thủ tướng, trước Quốc hội nếu đại biểu chỉ ra được chỗ nào lãng phí, chỗ nào “đổ xô”! 

Phiên tranh luận hôm ấy nóng ran, đến mức Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển phải nói “nếu có quy định khước từ, tôi sẽ khước từ trả lời”. Sau đó đại biểu Nguyễn Đức Dũng nói rằng, ông muốn hỏi rõ để xác định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng trước cử tri, trước Quốc hội chứ không có ý gây căng thẳng và Bộ trưởng cũng chia sẻ điều này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ghi nhận sự thẳng thắn, trách nhiệm giữa người hỏi và trả lời. 

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Minh Hiển.

Chính sự rõ ràng, đôi khi “quá thật” trước Quốc hội nhiều khi có thể gây tiếng cười lao xao, đâu đó có bình phẩm “sao Bộ trưởng lại gây cười thế”, nhưng ở góc độ nội dung, chúng ta cần trân trọng sự chân tình, thẳng thắn đó. Mới đây, khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn vì sao du lịch, văn hóa của ta chậm sau cả Lào, Campuchia, ông nói rằng bản thân cũng đã làm nhiều việc nhưng “sắp hết nhiệm kỳ rồi, xin chuyển cho Bộ trưởng kế tiếp”. Nhiều phóng viên nói ông trả lời vậy là đùn đẩy, né trách nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, có những bộ trưởng khéo hơn nhưng họ cũng để lại những di sản không nhỏ, vấn đề là cách nói mà thôi.

Trước nghị trường, cũng có lúc tâm lý hay việc chưa có kinh nghiệm đăng đàn khiến có những nữ Bộ trưởng trả lời thiếu tự tin. Ví như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cách đây mấy năm khi đăng đàn đã lúng túng và rơi nước mắt trước những chất vấn về trách nhiệm của Bộ khi để xảy ra những vụ trẻ chết vì tiêm vaccin, vì các bệnh dịch, về tha hóa đạo đức của một số y, bác sĩ. Khi chia sẻ với phóng viên, bà trăn trở: “Cũng là một người mẹ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới những bà mẹ có con mất trong thời gian qua. Cá nhân tôi rất yêu trẻ con. Mỗi lần khi đến bệnh viện, tôi chỉ muốn đến khoa sản thăm các cháu”.  Bộ trưởng cho hay, trước sự việc như vậy, người đứng đầu ngành có trách nhiêm, đặc biệt khi sự việc liên quan đến trẻ con thì có rất nhiều day dứt, đòi hỏi phải nỗ lực hơn.

Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016):

CHẤT VẤN – NHỮNG DẤU ẤN SỐNG ĐỘNG

“Tư lệnh” là khái niệm mà nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dành cho các vị bộ trưởng và các trưởng ngành (thành viên Chính phủ). Nếu như các đại biểu thể hiện bản lĩnh, thẳng thắn trong chất vấn, hỏi và truy rõ trách nhiệm thì ở chiều ngược lại, nhiều “tư lệnh”  trực diện với chất vấn, thẳng thắn nhận trách nhiệm và khuyết điểm trước tồn tại, bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý. Họ cũng hiện thực hóa lời hứa trước Quốc hội, cử tri và chính điều đó đã tăng tính hiệu quả của chất vấn, trả lời chất vấn.  

Phần chất vấn dành cho Thủ tướng luôn được mong đợi và thường diễn ra vào kỳ chất vấn cuối năm. Nhiều vấn đề có tính tổng hợp, đánh giá chung và những vấn đề lớn của đất nước, xã hội được Thủ tướng đánh giá rõ trong nội dung trả lời. Đặc biệt, những chất vấn, đối thoại trực tiếp, có lúc khá “căng” cũng đã diễn ra, ví như khi đại biểu chất vấn Thủ tướng về vấn đề Biển Đông, chất vấn về “văn hóa từ chức”. Tựu trung lại, tất cả đều cho thấy không khí thẳng thắn, trách nhiệm và dân chủ tại nghị trường.

Kỳ sau: Sống động từ người “cầm trịch”.

Đăng Trường
.
.
.