Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016): Chất vấn – Những dấu ấn sống động

Bài I: Chuyện về những đại biểu làm nên thương hiệu chất vấn

Chủ Nhật, 29/11/2015, 09:40
Là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đặc biệt với diễn đàn chất vấn, trả lời chất vấn sống động và luôn điều chỉnh để tự làm mới mình, trong phạm vi loạt bài viết này, tôi đề cập dấu ấn sống động nhìn từ 3 khía cạnh: đại biểu, bộ trưởng và “người cầm trịch”.

Nhận văn bản của Văn phòng Quốc hội về việc thực hiện các tác phẩm báo chí nhân kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016), trong tôi sống lại những dấu ấn tác nghiệp nghị trường với tư cách phóng viên theo dõi, đưa tin tuyên truyền về Quốc hội gần 15 năm, trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XI, XII, XIII). 
Ba khóa làm nhịp cầu truyền tải thông điệp nghị trường Quốc hội tới cử tri, nhân dân qua các ấn phẩm báo chí của lực lượng CAND quả có rất nhiều điều để viết, để nhớ lại, hình dung, đánh giá và suy ngẫm. 

Là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đặc biệt với diễn đàn chất vấn, trả lời chất vấn sống động và luôn điều chỉnh để tự làm mới mình, trong phạm vi loạt bài viết này, tôi đề cập dấu ấn sống động nhìn từ 3 khía cạnh: đại biểu, bộ trưởng và “người cầm trịch”.
Năm 2002, tôi bắt đầu vào Hội trường Ba Đình tuyên truyền kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XI. Đó cũng là khóa Quốc hội thực hiện theo chủ trương mới với 25% đại biểu hoạt động chuyên trách. Sau mấy kỳ theo dõi, đưa tin về diễn đàn chất vấn, tôi cũng không biết từ đâu có câu được truyền miệng nên quen ở chốn nghị trường “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Trung tướng, đại biểu Nguyễn Quốc Thước; Giáo sư, đại biểu Nguyễn Lân Dũng; GS, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân; đại biểu Dương Trung Quốc). Trong đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X thì từ khóa XI, ông không còn hoạt động tại Quốc hội nữa và người “thay ngôi” đầu trong câu trên là đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), khi đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Từ đó, nói đến chất vấn hay những phiên thảo luận sống động tại nghị trường, đại biểu, báo chí và cử tri nhắc đến nhóm tứ đại biểu “Nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.
Đem thắc mắc về xuất xứ của câu nói trên, nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng, họ biết và thấy điều đó rất đúng và hay nhưng không rõ khởi nguồn từ đâu cả. Thế rồi một lần, khi đến nói chuyện với lớp đào tạo kỹ năng viết báo cho phóng viên tuyên truyền về Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, chất vấn đòi hỏi bản lĩnh và kỹ năng, các vị đại biểu nói trên đã thể hiện rất rõ điều đó và góp phần quan trọng làm nên thương hiệu chất vấn. 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật, còn khi các vị đại biểu Quốc hội đến nghị trường, có ba việc quan trọng là nghe, nói và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra bởi không thể biết ai nghe tốt, ai không. Việc biểu quyết cũng khó xác định (vì Quốc hội chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm khi biểu quyết chứ không nêu danh cụ thể). Như vậy, quan trọng nhất vẫn là phát biểu. “Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của đại biểu. Kỹ năng này của bốn vị đại biểu Quốc hội nói trên phải nói là lão luyện và đây cũng là một ưu thế rất lớn trong hoạt động nghị trường” – TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Giáo sư, đại biểu Nguyễn Lân Dũng trong một lần chất vấn trước Quốc hội.

Nói về đại biểu Nguyễn Quốc Thước, dù ông đã rời nghị trường 15 năm nay nhưng tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa VIII, IX, X) vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều khi đó là sự đụng chạm mà nhiều đại biểu khác biết nhưng không nói. Về điều này, khi chia sẻ với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó. Để những ý kiến của mình có sức thuyết phục thì việc chuẩn bị tài liệu chỉ là một phần. Theo ông, đã là tranh luận trên hội trường thì phải có sự tiếp thu những ý kiến mới. Ví dụ, ngày hôm qua, anh đã định trình bày về một vấn đề nào đó với sự chuẩn bị sẵn nhưng đến hội trường thảo luận lại nẩy ra những ý mới, đặc biệt là những ý kiến ngược chiều thì cần phải tiếp thu và tư duy để có thể đưa ra được những ý kiến có giá trị chứ không phải cứ việc xách bài đã chuẩn bị sẵn ra rồi cứ vậy đọc cho xong.

Với 3 nhiệm kỳ là đại biểu của dân, lại với đặc tính làm công tác đối ngoại, GS Nguyễn Ngọc Trân vừa chất vấn thẳng, rõ trách nhiệm nhưng trong cách dùng từ ngữ của ông cũng luôn phù hợp bối cảnh, sâu sắc, trực diện mà không khiến người bị chất vấn mất lòng. Giờ nhìn lại thấy rất nhiều dự án đầu tư công lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, ông bảo: “Tôi đã lưu ý Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này ngay từ các khóa X, XI khi mà tốc độ phát triển GDP còn trên 7%/ năm. Với những ai hiểu rành thì các dự án đầu tư bị thất thoát, lãng phí ghê gớm mà không ngăn lại được, đau lớn lắm” – ông phân trần. Ông quan niệm, để làm tốt trọng trách đại biểu phải có tâm và tầm. Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn để tìm ra nguyên nhân, bất cập trong tổ chức và vận hành của bộ máy Nhà nước pháp quyền, với tinh thần xây dựng, vì lợi ích của dân của nước. Còn về tầm, đại biểu phải khẳng định được vị thế theo chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Cũng gắn bó với nghị trường Quốc hội tới 15 năm, GS, TS Nguyễn Lân Dũng thể hiện ở dấu ấn “phát biểu hăng”. Khi nói về điều này, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định, khi chất vấn, ông phải hỏi cho ra nhẽ nếu câu trả lời trước đó chưa thỏa mãn, chưa đúng sự chờ đợi. “Tôi thẳng thắn bảo vệ cái đúng, lẽ phải chứ không có phe phái gì cả, chất vấn xét theo góc độ nào cũng nhằm thực hiện cái chung, vì lợi ích chung” – GS bày tỏ. Đặc biệt, khi chất vấn về chống tham nhũng, ông luôn có những so sánh, viện dẫn sát thực tế và những câu nói làm sống động nghị trường. Có lần, chất vấn về việc xử lý đối tượng tham nhũng, ông lấy ví dụ: “Cũng như khi ta quét cầu thang, ta không thể quét từ dưới lên trên”.

Gần như dành trọn cả đời cho sự nghiệp giáo dục, người ta thấy hầu như phiên chất vấn nào cũng thấy vị Giáo sư đáng kính hỏi những điều cử tri lo lắng về ngành giáo dục. Ông từng nói câu “không thể lấy cơm chấm cơm” khi ngày đó, hiện trạng cử nhân dạy cử nhân là phổ biến ở các trường đại học. Có lần tôi hỏi, nếu giả sử ông là bí thư, chủ tịch địa phương nào đó, liệu có còn “chất thẳng thắn”? Không suy nghĩ lâu, ông nói “tôi vẫn phát biểu, vẫn chất vấn, tuy nhiên không thể so hai vị trí của tôi bây giờ với bí thư, chủ tịch được bởi vị trí tất cũng ảnh hưởng đến thái độ”.

Với đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, cái tên “nhất Ngoạn” hẳn cũng minh chứng cho khí chất thẳng thắn, quyết liệt của ông trước Quốc hội. Ông kể, trong mấy nhiệm kỳ làm đại biểu của dân, ông đã 5 lần chất vấn Thủ tướng, trong đó 2 lần chất vấn trực tiếp tại hội trường và 3 lần khác bằng văn bản. Với Phó Thủ tướng, ông chất vấn 7 lần, đối với các bộ trưởng thì hầu như kỳ nào cũng có. Có lần, chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, vị đại biểu đến từ Trung ương Hội Người cao tuổi truy rất căng về quản lý vốn ODA. Chả là dịp đó có vụ thất thoát vốn ODA khiến một số quan chức bị khởi tố. Ông hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và một lần nữa đứng dậy nhắc lại rằng:  “Bộ trưởng có nhận khuyết điểm trước Quốc hội không?”. Hỏi xong, ông quan sát và băn khoăn, liệu mình hỏi dồn thế có quá? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã trả lời rất rõ và thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội bởi vấn đề thất thoát vốn ODA thuộc trách nhiệm của bộ mình. Ít hôm sau, gặp lại trong giờ giải lao, vị Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư hỏi đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn “tôi trả lời thế đạt chưa anh”?. Cả hai cùng cười và trao đổi nhiều việc khác.

Tất nhiên có rất nhiều vị đại biểu khác ở các nhiệm kỳ gây dấu ấn với báo chí, với cử tri mà tôi chưa có điều kiện viết thêm được, chẳng hạn như đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Đỗ Văn Cuông (Thanh Hóa), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Bùi Thị An (Hà Nội)… Họ là những đại biểu mà dù nhiệm kỳ hoạt động ở Quốc hội đã hay sẽ kết thúc thì những cái tên đó cũng luôn được cử tri quý trọng và nhớ mãi.

“Tôi thẳng thắn bảo vệ cái đúng, lẽ phải chứ không có phe phái gì cả, chất vấn xét theo góc độ nào cũng nhằm thực hiện cái chung, vì lợi ích chung” – GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII.
Đăng Trường
.
.
.