Quốc hội sẽ giám sát tối cao về tình hình xâm hại trẻ em tại kỳ họp thứ 9
Với 79,13% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết đồng ý, Quốc hội đã thống nhất sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em sáng nay, 3-6.
- Tăng cường chức năng giám sát tối cao của Quốc hội
- Phòng chống xâm hại trẻ em Cha mẹ đừng im lặng
- "Quốc hội cũng phải lên tiếng chứ hằng ngày chúng ta nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em"
Theo Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Về nội dung giám sát, tính đến ngày 23-3-2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) kiến nghị Quốc hội mở rộng hơn nữa chương trình giám sát năm 2020, bởi Luật Trẻ em được thông qua năm 2016 có rất nhiều nội dung và nêu trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, ban ngành trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến cấp xã.
Tuy nhiên, việc xâm hại trẻ em thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Ông đề xuất việc giám sát chuyên đề mở rộng hơn nữa về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan trong thực hiện chăm sóc, bảo vệ trẻ em và việc thực hiện Luật Trẻ em một cách toàn diện.
Toàn cảnh hội trường |
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) bày tỏ đồng tình với hai nội dung mà Tờ trình nêu bởi đó là những vấn đề nổi trội, cần thiết phải giám sát. Bên cạnh đó ông cũng nêu ra 1 vấn đề mà lâu nay chúng ta ít quan tâm là lĩnh vực báo chí. Luật Báo chí được ban hành đến nay đã 29 năm và đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 1999 và năm 2016.
Hoạt động báo chí về cơ bản đã phát huy mặt tích cực, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động quản lý báo chí của các cơ quan chức năng cơ bản đã thực hiện tốt vai trò điều tiết, kiểm soát được hoạt động báo chí…
“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn trường hợp, tình huống mà chúng ta không thể không giám sát. Thứ nhất nhìn chung các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và những người có trách nhiệm đã tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên, song vẫn còn không ít nơi, cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí”, ông nói.
“Cá biệt có những nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên. Có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Trong hoạt động quản lý báo chí có những trường hợp gỡ bài không có lý do…”, đại biểu nhấn mạnh thêm.
Từ đó ông cho rằng, có thể không giám sát tối cao của Quốc hội nhưng cần thiết phải giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí ở Thường vụ Quốc hội hoặc giao cho Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát để làm rõ mặt được, mặt chưa được, mặt vi phạm nhằm chỉnh đốn và tăng cường hoạt động báo chí thời gian tới.
Qua biểu quyết tại hội trường, đa số ĐBQH nhất trí chọn chuyên đề 1 để Quốc hội giám sát tối cao năm 2020.