"Quốc hội cũng phải lên tiếng chứ hằng ngày chúng ta nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em"

Thứ Ba, 16/04/2019, 09:48
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 16-4.


Theo báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; UBTVQH sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9). 

Tính đến ngày 23-3-2019, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, rà soát những nội dung kiến nghị đề xuất này với những nội dung có liên quan đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Ngày 26-3-2019, Tổng Thư ký đã lựa chọn 7 nhóm nội dung và gửi xin ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, ngày 10-4-2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã họp xin ý kiến đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của UBTVQH.

Các ý kiến đều thống nhất: Về số lượng chuyên đề, năm 2020, đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, UBTVQH giám sát 1 chuyên đề.

Về nội dung chuyên đề: Trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội xin trình UBTVQH 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải .

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Thảo luận tại phiên họp, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, nhất trí với hướng giám sát năm 2020, đó là đồng bộ trong hoạt động giám sát nhưng cân nhắc đặc thù của năm, vì tất cả các đồng chí ở đây đều tham gia các tiểu ban của Đại hội Đảng. Đồng thời cũng là để tạo mọi điều kiện cho cấp uỷ các cấp ở dưới vừa tổng kết nhiệm kỳ, vừa chuẩn bị cho Đại hội. “Xu hướng là chúng ta nên làm gọn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu giám sát và có tính lan toả cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Về lựa chọn vấn đề giám sát về trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng vừa rồi chúng ta mới giám sát về bảo vệ quyền trẻ em, tuy nhiên hiện nay nổi lên vấn đề bạo lực học đường, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, quấy rối, những vấn đề về đạo đức mà xã hội bức xúc…

“Theo tôi, nên giám sát về lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng liên quan đến hoạt động tư pháp, các tội phạm liên quan đến trẻ em. Nếu sau này được Quốc hội giao, tôi đề nghị chị Nga chủ trì vấn đề này. Năm nay chúng ta cũng chưa có hoạt động giám sát nào về lĩnh vực tư pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với quan điểm, năm 2020 chúng ta có nhiều công việc phải làm để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, mà các thành viên của UBTVQH đều tham gia các tiểu ban. Năm 2020 chúng ta cũng là chủ nhà ASEAN và FTA. Do đó nên chọn giám sát 1 chuyên đề của Quốc hội và 1 của UBTVQH.

“Về vấn đề trẻ em mà nếu tính cả mảng bạo lực học đường cũng rất nhiều. Và theo tôi nên đứng ở góc độ tư pháp để thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em thời gian qua. Quốc hội cũng phải lên tiếng chứ hằng ngày chúng ta nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em như thế, tôi tin đa số ĐBQH cũng sẽ đồng ý” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng ý với việc lựa chọn giám sát chuyên đề về trẻ em, nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Tuy nhiên bà cho rằng nên khoanh lại nội dung giám sát ở phạm vi hẹp hơn.

Toàn cảnh phiên họp

“Chúng ta có thể khoanh lại phạm vi giám sát là vi phạm pháp luật và xâm hại trẻ em. Như thế thì vừa quét được bạo lực học đường, bạo hành với trẻ mầm non và xâm hại tình dục trẻ em. Nếu được UBTVQH tin tưởng tôi cũng xin gánh trách nhiệm chủ trì giám sát chuyên đề này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua gửi phiếu xin ý kiến thì đa số lãnh đạo các Uỷ ban lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2, trong đó chuyên đề 1 được lựa chọn nhiều nhất.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, cơ bản thành viên UBTVQH thống nhất với việc lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2, nhưng tên gọi chuyên đề 1 sẽ nghiên cứu, thống nhất với các cơ quan cho phù hợp. Trên cơ sở đó UBTVQH sẽ trình Quốc hội 2 nội dung để Quốc hội lựa chọn. Sau khi Quốc hội lựa chọn, vấn đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh tờ trình, đặc biệt là các nội dung giám sát để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.


Quỳnh Vinh
.
.
.