Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Vay trong khả năng trả, không nới “trần” nợ công

Thứ Bảy, 22/10/2016, 13:06
“Chúng ta cố gắng tăng thu để tăng chi, chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại nghĩa vụ trả nợ cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ, dứt khoát không nới “trần” nợ công” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Sáng nay, 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, theo tính toán, trong kế hoạch đầu tư công Chính phủ cần 2 triệu tỷ đồng, trong đó Trung ương là 1,2 triệu tỷ đồng, địa phương khoảng 880.000 tỷ đồng. Còn nguồn lực để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 ít nhất cũng phải gấp 5 lần con số này. Cho nên chúng ta phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt, cả nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế chứ không chỉ riêng nguồn lực nhà nước cho quá trình tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.

Dự án đội vốn, nhà đầu tư chịu trách nhiệm

Khi được hỏi, trong bối cảnh quy mô GDP hơn 200 tỷ USD, nhưng chi phí tái cơ cấu kinh tế cần tới khoảng 480 tỷ USD liệu có khả thi, Phó Thủ tướng nói: “Cứ nhân lên tổng mức huy động toàn xã hội khoảng 30% GDP. Mỗi năm GDP khoảng 220 tỷ USD thì 5 năm được bao nhiêu? Rồi tính 30% của số đó thì sẽ ra con số huy động nguồn lực”.

Đề cập đến tình trạng các dự án đầu tư công hay bị đội vốn so với dự toán ban đầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sau khi có Chỉ thị 1792 của Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì từ Trung ương đến địa phương chỉ chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt. Còn ai làm đội vốn, người nào quyết định đầu tư thì người đó chịu trách nhiệm. Lần này Chính phủ quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương về ngân sách.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí, sáng 22-10

Đối với ý kiến cho rằng nên nới “trần” nợ công, Phó Thủ tướng phân tích: “Nhiều người cũng hỏi tôi, tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%GDP, thậm chí 200%GDP mà mình lại cứ “chốt” trần nợ cộng ở 65%GDP. Chính phủ đã tính toán kỹ vấn đề này. Đúng là “trần” nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng. Theo thông lệ thế giới, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách nhà nước 25% là rất khó khăn. Thực tế, năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của chúng ta là hơn 27%, kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ thì năm 2016 -2017 là cực đỉnh của nợ. Vì vậy, nếu nới “trần” nợ công lên thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Phó Thủ tướng khẳng định, để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế “trần” nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội.

Không để nghĩa vụ trả nợ cho đời sau

Bàn về giải pháp để nợ công không “vượt trần”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải có thể chế để huy động được cao độ các nguồn lực như kiều hối, ngoại tệ, vàng trong dân… Còn Chính phủ thì đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân sẽ sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư kinh doanh. Anh phải làm sao để người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh chứ một đồng nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng “mồi” thôi”, ông lưu ý.

Phó Thủ tướng nêu rõ, tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu lại thu, chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn như thế thì ngân sách nhà nước chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất là “mồi” và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Thứ hai, chỉ số Icor phải giảm, tức là hiệu quả đầu tư phải tăng lên.

Chúng ta phải làm bài bản, khoa học. Từng năm phải siết chặt kỷ luật tài khóa. Coi tiết kiệm là quốc sách. Cố gắng tăng thu để tăng chi mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại nghĩa vụ trả nợ cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ, dứt khoát không nới “trần” nợ công.

Về dự báo kịch bản tăng trưởng dưới mức kế hoạch đặt ra thì “trần” nợ công sẽ tăng lên, Phó Thủ tướng cho biết, năm nay Chính phủ đã đưa bội chi xuống mức rất thấp là 3,5% và như vậy tổng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản không được như mong muốn của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng số Quốc hội quyết định, tức là không vượt. Sẽ có thêm nguyên tắc bổ sung là nếu như các địa phương giảm thu thì phải điều chỉnh các khoản chi.

Phó Thủ tướng nhận định, trong thời gian tới đây phải phấn đấu để tăng thu ngân sách, kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Trong đó, để tăng thu thuế quan thì bằng cách siết chặt cách tính thuế. Để tăng thu nội địa thì mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức lên thành chính thức, các hộ kinh doanh cố gắng khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, tăng cường thêm chế độ chứng từ, hóa đơn ngoài quốc doanh…

An Quỳnh
.
.
.