Kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2016):

Phát triển và bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh chính trị hiện nay

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:06
Cho dù lịch sử xã hội XHCN từ cuộc Cách mạng Tháng Mười (1917) đến nay đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhất là sau khủng hoảng và sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô, các nước Đông Âu nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ quên được những ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười, sự giúp đỡ vô giá của các nước XHCN đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong tiến trình cách mạng.

Nguồn gốc tư tưởng, chính trị của Cách mạng Tháng Mười, của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới trong thế kỷ XX bắt nguồn từ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Từ khi chế độ xã hội XHCN ra đời đến nay, chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng chính trị tay sai luôn luôn sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với các nước XHCN. Ở nước ta, nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, các thế lực thù địch, những người tự xưng là “nhà hoạt động xã hội”, người “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, thậm chí có kẻ còn đóng vai “người yêu nước” luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ viết bài post lên mạng, gửi lãnh đạo Đảng dưới các hình thức như “thư ngỏ”, “kiến nghị” Đảng ta nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển sang chủ nghĩa “dân tộc, dân chủ”…

Động cơ của họ không có gì khác nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển xã hội ta sang con đường “dân chủ, nhân quyền” ảo tưởng, ngoại nhập.

Đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp, nhiều vấn đề gay gắt. Chẳng hạn phân hóa giàu nghèo gia tăng, “lợi ích nhóm” mà Đảng ta chỉ ra vẫn đang tác động tiêu cực đến cuộc sống. Nhưng không thể phủ nhận được đất nước ta đã thay da đổi thịt. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã vào loại trung bình. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Việt Nam đã từng giữ nhiều cương vị trọng trách trong Liên hợp quốc, hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền (khóa 2014-2016). Mới đây Việt Nam cũng đã trúng cử thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế.

Lịch sử xã hội XHCN trên thế giới cũng như cách mạng Việt Nam cho thấy, chừng nào Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền dao động về tư tưởng chính trị, rơi chủ nghĩa cơ hội hoặc chủ nghĩa giáo điều về lý luận, sao chép máy móc mô hình của nước ngoài thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải trả giá đắt. Ngược lại nếu kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử dân tộc thì cách mạng sẽ giành được thắng lợi.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử dân tộc. Cách mạng Tháng Tám, việc xây dựng Nhà nước do Đảng ta lãnh đạo không máy móc rập khuôn mô hình nhà nước Xôviết, công – nông - binh mà là cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng: Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập những chân lý phổ biến để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta; học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải nâng cao sự tu dưỡng về Chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp để tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, đề ra đường lối, chính sách phù hợp với thực tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo đến sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thiết lập, trong thư gửi chính quyền các cấp, Người đã viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” - Hồ Chí Minh toàn tập, t 12, tr 557, 558.

Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta đã chỉ rõ và đề ra những giải pháp cơ bản chống suy thoái chính trị tư tưởng. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định nguy cơ của sự suy thoái đó.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

V.I. Lênin đã từng nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm cuộc cách mạng của chúng ta là phải tiếp tục sự nghiệp mà cuộc cách mạng đó đã mở ra. Theo ý tưởng đó, kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười năm nay, chúng ta cần vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đẩy mạnh công cuộc đổi mới mà Nghị quyết Đại hội XII đã vạch ra, trong đó tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII.

Thanh Hà
.
.
.